Cho rằng hành động áp đặt giá trần với dầu Nga sẽ khiến người tiêu dùng phải trả mức phí cao hơn và làm tăng sự không ổn định của thị trường năng lượng, Đại sứ quán Nga tại Mỹ khẳng định rằng nhu cầu về dầu của Nga sẽ tiếp tục tăng cao.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh, hành động áp giá trần với dầu Nga của các nước phương Tây nhằm định hình lại các nguyên tắc hoạt động trên thị trường tự do, đồng thời cố gắng "che đậy sự thật rằng tình trạng mất cân bằng năng lượng hiện nay là hậu quả từ hành động của chính họ".
Hôm 2/12, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Australia cùng EU tuyên bố đạt được thỏa thuận về mức giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga, một bước đi quan trọng của phương Tây nhằm sắp xếp lại thị trường dầu mỏ toàn cầu và cản trở dòng tiền của Moskva, được cho là phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Mức giá này sẽ có hiệu lực sớm nhất vào ngày 5/12 - khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga cũng như lệnh cấm bảo hiểm đối với những nguồn cung cấp đó có hiệu lực.
Lệnh cấm vận sẽ ngăn chặn các chuyến hàng vận chuyển dầu thô Nga bằng tàu chở dầu tới EU, vốn chiếm 2/3 lượng hàng nhập khẩu, có khả năng tước đi hàng tỷ Euro ngân quỹ của Nga, mà phương Tây cho là sử dụng cho xung đột ở Ukraine.
"G7 và Australia... đã đạt được sự đồng thuận về mức giá tối đa 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển có nguồn gốc từ Nga", tuyên bố chung của G7 và Australia cho biết.
Bình luận