Các công ty điện Ấn Độ đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung cấp than trong khi số lượng dự trữ xuống mức thấp nhất, nhu cầu điện từ các ngành công nghiệp tăng vọt và quá trình nhập khẩu diễn ra chậm chạp do giá than toàn cầu tăng kỷ lục.
Ấn Độ là nước nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới mặc dù có trữ lượng lớn thứ tư. Ngành dịch vụ tiện ích (cung cấp điện) chiếm khoảng 3/4 tổng lượng tiêu thụ than.
Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Ấn Độ đang cạnh tranh với những nhà nhập khẩu khác như Trung Quốc – nhà tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng đang chịu áp lực tăng nhập khẩu than trong bối cảnh thiếu điện nghiêm trọng.
Hơn 2/3 sản lượng điện của Trung Quốc đến từ các nhà máy nhiệt điện than. Trong khi hơn 90% nhiên liệu mà nước này sử dụng được khai thác tại địa phương, rất khó để tăng trữ lượng địa phương trong thời gian ngắn. Nhập khẩu đối với Trung Quốc cũng là lựa chọn dễ dàng hơn, nhưng điều này trở nên phức tạp khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu than từ Australia - nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới - vào cuối năm 2020.
Thay vào đó, Trung Quốc có thể sẽ tăng mua hàng từ các nguồn truyền thống, đẩy cao áp lực cạnh tranh với những người mua khác, trong đó có Ấn Độ. Ví dụ, tỉnh Cát Lâm sẽ tìm thêm than từ Indonesia, Nga và Mông Cổ. Một số nhà xuất khẩu than khác mà nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng có thể tìm đến là Nam Phi, Colombia, Mỹ và Canada. Theo các nhà quan sát, Trung Quốc cũng sẽ tìm đến các nguồn Đông Nam Á trước do vị trí gần gũi.
Trong khi đó, hơn một nửa trong số 135 nhà máy nhiệt điện than Ấn Độ chỉ còn dự trữ dưới 3 ngày, theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ. Trong hướng dẫn liên bang, nước này đặt mức dự trữ khuyến nghị là ít nhất hai tuần.
Cơ quan xếp hạng S&P báo cáo rằng nguồn dự trữ than tại các nhà máy nhiệt điện Ấn Độ sẽ chỉ được cải thiện dần vào tháng 3/2022. Sự thiếu hụt của ngành năng lượng trong khi đó sẽ lan sang lĩnh vực phi năng lượng vì nhập khẩu trở thành lựa chọn duy nhất để đáp ứng nhu cầu, với chi phí ngày càng lớn.
Cùng với các cuộc cạnh tranh, giá nhiên liệu sản xuất điện tăng trên toàn cầu khi nhu cầu điện tăng trở lại; nguồn cung than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng bị thắt chặt. Giá dầu, khí đốt, than đá và điện tăng cũng tạo ra áp lực lạm phát trên toàn thế giới và làm chậm sự phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19.
Giá than từ các nhà xuất khẩu lớn gần đây tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, trong đó giá than Newcastle của Australia tăng khoảng 50% và giá xuất khẩu của Indonesia tăng 30% trong 3 tháng qua.
Bình luận