Nội dung trên được ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam chia sẻ tại Lễ ra mắt Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực phía Bắc và Hội thảo Hiệp định Thương mại EVFTA tổ chức tại Hà Nội.
Ông Kế nói: “Nhôm Trung Quốc với lợi thế giá rẻ đang phá giá thị trường khủng khiếp khiến các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn. Do đó, Hội sẽ là điểm tựa về mặt pháp lý để chống lại cuộc cạnh tranh không lành mạnh của nhôm thanh định hình Trung Quốc vào Việt Nam”.
Theo ông Kế, Hội Nhôm Việt Nam ra đời vào thời điểm này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của ngành nhôm, đặc biệt lợi ích do ảnh hưởng chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ. Lãnh đạo Hội Nhôm cũng cho biết, trước mắt, cơ quan này sẽ xây dựng lại hệ thống nhôm thanh định hình Việt Nam để xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng rành mạch và có điểm tựa nhằm cạnh tranh với hàng xuất xứ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự hoàn thiện mình, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chất lượng giá thành sản phẩm, giá thành hợp lý để cạnh tranh sòng phẳng với nhôm Trung Quốc. Cần chú trọng nhất vào việc đầu tư công nghệ, hoàn thiện con người.
Riêng với thị trường châu Âu, ông Kế đánh giá cơ hội có rất nhiều, dư địa xuất khẩu lớn nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách thuế.
Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực Phía Bắc – nhìn nhận, để vào được thị trường EU, trước tiên các doanh nghiệp phải có các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường đó. “Hàng vào châu Âu là phải chất lượng, những doanh nghiệp Việt đáp ứng tiêu chuẩn và doanh nghiệp có năng lực, có khả năng để xuất khẩu vào thị trường này thì cơ hội này rất lớn”, ông Phụ nói.
Ông Phụ cho rằng các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ về nội dung hiệp định thương mại Việt Nam - EU, trong đó về xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam còn đuối nên cần khắc phục, bổ sung điều kiện doanh nghiệp.
FTA không chỉ có màu hồng
Chia sẻ về tác động của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các chuyên gia kinh tế cho rằng FTA được kỳ vọng là động lực tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt cả về số lượng và giá trị. Tuy nhiên, trong thương mại hàng hóa luôn có hai phần là quy tắc xuất xứ và cắt giảm thuế quan. Sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta chỉ nói về thuế quan mà không nói về quy tắc xuất xứ.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thuỳ, Việt Nam tham gia tổng cộng 16 FTA. Các FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia là FTA khu vực, với các đối tác trong khu vực ASEAN hoặc với các đối tác chung của ASEAN trong khu vực châu Á. Tất cả các FTA này đều là FTA truyền thống, chủ yếu tập trung vào việc mở cửa thị trường hàng hóa.
Những FTA Việt Nam tham gia sau này phần lớn là các FTA song phương hoặc đa phương, với các đối tác xa hơn về địa lý (châu Âu, châu Mỹ). Về nội dung, đa số các FTA này là FTA thế hệ mới, bao trùm nhiều lĩnh vực, vấn đề cả thương mại và phi thương mại.
“Đôi khi, chúng ta thường quan tâm khi Hiệp định nào có hiệu lực thì những dòng thuế nào sẽ về 0% ngay, nhưng không có gì là cho không biếu không cả. Hàng hóa của Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ muốn vào các thị trường. Mà quy tắc xuất xứ là thiết kế riêng cho từng mã hàng khác nhau và thiết kế quy tắc xuất xứ là một trong những mục khó nhất, phức tạp nhất của bất kể một FTA nào”, bà Thuỳ nói.
Bà Thuỳ cho biết, hàng hóa được thiết kế riêng cho từng mã HS và đáp ứng quy tắc xuất xứ mới được ưu đãi thuế 0%. Và khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì áp dụng mức thuế thường, cao hơn rất nhiều với thuế của FTA.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, thời điểm cụ thể, có thể có các thị trường sẽ áp dụng thuế chống lẩn tránh. Đây là loại thuế áp lên những nhóm hàng mà hiện nay một quốc gia đã áp sẵn như thế rồi với một quốc gia khác, nếu chúng ta sản xuất hàng tương tự với mong mỏi đi sang các quốc gia kia thì chúng ta rất dễ áp thuế chống lẩn tránh nếu như chúng ta không chứng minh được các yếu tố đầu vào không sử dụng từ các quốc gia bị đánh thuế đó rồi.
“Thuế này ngày càng phổ biến khi chúng ta là quốc gia đang chịu sẵn thuế đó lại tiếp tục được hưởng bằng cách này hay cách khác qua các nhà máy ở nước khác. Không loại trừ ngành thép (đã bị rồi) và nhôm và nhiều ngành khác từ các quốc gia như Việt Nam cũng sẽ chịu chung thuế này khi xuất khẩu tới các quốc gia như Mỹ, Nhật Úc, New Zealand..., bà Thuỳ nói thêm.
Với trường hợp này, bà Thuỳ khuyến cáo doanh nghiệp cần bình tĩnh sản xuất, cần chứng minh đã có chuyển đổi cơ bản. “Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nắm vững quy tắc xuất xứ, làm chủ công nghệ, chuỗi sản xuất thì sẽ thuận lợi cho chúng ta xuất khẩu vào EU và ngược lại”, bà Thuỳ cho hay.
Bình luận