“Chúng tôi đang chuẩn bị đưa Nhóm tấn công tàu sân bay (Hải quân Hoàng gia Anh) đến thăm khu vực trong năm nay. Đây là một thời điểm quan trọng để chúng ta củng cố các lĩnh vực hợp tác”, ông Raab nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia, Ngoại trưởng Retno Marsudi, khi đang trong chuyến thăm và làm việc tại Indonesia.
Nhóm tấn công tàu sân bay này sẽ bao gồm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, nặng 65.000 tấn, một trong hai tàu chiến lớn nhất từng được sản xuất cho Hải quân Hoàng gia Anh. Tàu dự kiến sẽ đi qua Biển Đông vào giữa năm 2021.
Đầu năm nay, Trung Quốc chỉ trích kế hoạch triển khai nhóm tàu HMS Queen Elizabeth của Anh đến khu vực và nói sẽ có “biện pháp cần thiết”.
Tháng 3, chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson, khi thông tin về các ưu tiên chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này hậu Brexit đã nói rõ Anh đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng tới các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm các nước Đông Nam Á, trước sự phát triển của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Indonesia của Ngoại trưởng Anh, hai bên cũng đồng ý tăng cường mối quan hệ an ninh, quốc phòng và thương mại.
Indonesia, dù không tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông, nhưng thường xuyên ngăn tàu Trung Quốc đến biển Bắc Natuna (tên mà Indonesia đặt cho một phần Biển Đông, nằm ở phía Bắc Indonesia). Trung Quốc cho là có “quyền đánh cá truyền thống” ở khu vực này.
Bộ trưởng Retno, cho biết an ninh hàng hải sẽ là một trong số các lĩnh vực về quốc phòng và an ninh mà Jakarta hướng tới hợp tác sâu hơn với London. Ông Raab đồng tình, nói rằng mặc dù Anh và Indonesia ở "những khu vực khác nhau trên thế giới", nhưng họ đều là "cường quốc hàng hải với lợi ích hàng hải mạnh mẽ".
“Quan trọng hơn nữa, chúng tôi đặc biệt quan tâm trong việc đảm bảo rằng hệ thống dựa trên quy tắc, các nguyên tắc phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển được duy trì", ông Raab nói.
Bình luận