Khi thời tiết xấu, người cao tuổi không nên xem nhẹ các bệnh về tim mạch, đặc biệt là bệnh nhồi máu cơ tim với tốc độ khởi phát nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Sau đây là những lời khuyên bạn nên tham khảo và lưu ý.
Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim
Các triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp là đau ngực dữ dội, đau lan đến vai, cánh tay, cổ, hàm, răng, dạ dày, bụng trên và thậm chí cả lưng, kèm theo đó là cảm giác khó thở, đổ mồ hôi lạnh, nôn mửa và chóng mặt, các triệu chứng này dù nghỉ ngơi cũng không hề thuyên giảm.
Khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, bệnh nhân có thể bất tỉnh, nhịp tim không đều, tụt huyết áp, thậm chí bị sốc.
Sau khi bị nhồi máu cơ tim, tình trạng viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi hoặc viêm phổi có thể xảy ra trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, kèm theo đó là các triệu chứng như sốt, đau ngực và ho. Những biến chứng này khá nguy hiểm, cần đặc biệt chú ý.
Biến chứng nghiêm trọng là vỡ thành tự do thất (nguyên nhân thứ hai gây tử vong do nhồi máu cơ tim), sau này có thể gây tràn máu màng ngoài tim hoặc tắc màng ngoài tim cấp tính, dẫn tới nguy cơ đột tử.
Dấu hiệu sớm cảnh báo nhồi máu cơ tim
Tuy nhồi máu cơ tim xảy ra nhanh, nhưng tim sẽ phát ra một số tín hiệu báo trước khi bị tắc nghẽn hoàn toàn. Y học lâm sàng cũng kết luận rằng, một số triệu chứng không điển hình có thể là dấu hiệu báo trước của nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, nếu giới tính và tuổi tác khác nhau thì các triệu chứng tiền phát cũng khác nhau.
Các triệu chứng của người cao tuổi không chỉ biểu hiện ở ngực, mà còn có thể đau bụng, nôn mửa. Phụ nữ có thể có các triệu chứng không liên quan đến tim mạch như mệt mỏi, mất ngủ, lo lắng. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong sau khi bị nhồi máu cơ tim của phụ nữ cao hơn, do khi phát hiện ra thì đã muộn, hiệu quả điều trị giảm đi nhiều.
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một bệnh tim cấp tính nghiêm trọng, do động mạch vành cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn, cơ tim bị tổn thương vì thiếu oxy và chất dinh dưỡng, một khi bị tắc nghẽn trên 20 phút thì tế bào cơ tim sẽ chết dần.
Do đó, nếu điều trị để loại trừ tình trạng tắc nghẽn động mạch vành càng sớm thì tỷ lệ sống sót càng cao. Theo thống kê lâm sàng, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân chữa bệnh trong vòng 6 giờ là khoảng 6%, tỷ lệ tử vong trong vòng 8 giờ là khoảng 7%, và tỷ lệ tử vong trong vòng 12 giờ là 8%.
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim. Các cholesterol xấu lắng đọng trên thành của động mạch vành, hình thành nên các mảng xơ hóa hoặc vôi hóa, làm động mạch dày lên, sau đó các mảng xơ cứng động mạch này gây viêm và vỡ ra, thu hút tiểu cầu kết tụ lại và biến thành cục máu đông, trong trường hợp nặng sẽ làm tắc động mạch vành và gây nhồi máu cơ tim.
3 mẹo "tự cứu" khi bị nhồi máu cơ tim
So với bóc tách động mạch chủ diễn ra nhanh và dữ dội hơn, nhồi máu cơ tim có thể sử dụng thời gian vàng để cấp cứu.
Khi các triệu chứng như khó chịu bắt đầu xuất hiện ở ngực, người có nguy cơ cao nên tư vấn bác sĩ để được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
Nếu người bên cạnh bị nhồi máu cơ tim cấp, bạn nên tiến hành hô hấp nhân tạo hoặc sốc bằng máy khử rung tim ngoài tự động (AED) càng sớm càng tốt, nắm bắt thời gian vàng cấp cứu trong vòng 90 giây, rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Bệnh nhân có thể qua khỏi hay không phụ thuộc vào việc người bên cạnh có nhanh chóng đưa ra các biện pháp sơ cứu kịp thời hay không.
Các thử nghiệm lâm sàng quốc tế đã chỉ ra, uống thuốc aspirin ngay khi nhồi máu cơ tim có thể giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, đau ngực cũng có thể là dấu hiệu của bóc tách động mạch chủ, uống aspirin lúc này có thể khiến tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn, vì vậy thuốc aspirin phù hợp hơn với những người có tiền sử tắc động mạch.
Người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim
Người hút thuốc lá: Nicotine và các chất độc hại khác trong thuốc lá có thể đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch, làm cho máu đặc và mạch máu mất tính đàn hồi.
Bệnh nhân cao huyết áp cũng có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao, bởi huyết áp tăng cao sẽ làm tăng áp lực cho tim, từ đó có thể làm xơ cứng động mạch vành và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Ngoài những yếu tố nêu trên, khi tuổi càng cao thì tình trạng xơ cứng động mạch càng trở nên nghiêm trọng hơn, do đó nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người cao tuổi cũng cao hơn. Cũng không thể bỏ qua sự thay đổi của nhiệt độ, khi nhiệt độ giảm sẽ làm tăng độ đặc của máu, huyết áp không ổn định, máu dễ đông có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Điều trị nhồi máu cơ tim như thế nào?
Việc điều trị nhồi máu cơ tim có thể chia thành 2 phương pháp là điều trị bằng thuốc và điều trị bằng phẫu thuật. Điều trị bằng thuốc chủ yếu dựa vào thuốc để làm tan huyết khối. Nguyên tắc là làm tan cục máu đông trong động mạch vành, để mạch máu thông thoáng trở lại, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ tim, nhưng cần dùng trong vòng 12 giờ sau khi bắt đầu bị nhồi máu cơ tim mới phát huy tác dụng.
Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật là bóng nong mạch vành, tức là đưa một quả bóng nhỏ vào chỗ hẹp của động mạch vành theo dây dẫn qua ống thông tim, bóng giúp mở rộng phần tắc nghẽn, tăng lưu lượng máu nhằm cải thiện triệu chứng.
Một khi tim đã bị tổn thương thì rất khó để phục hồi chức năng ban đầu, vì vậy người bệnh nên chú trọng bảo vệ tim sau quá trình điều trị. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng tăng lipid máu, tăng huyết áp, tăng đường huyết, cai thuốc lá, giảm cân và tập thể dục. Chỉ khi chăm sóc sức khỏe đúng cách mới có thể giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim.
Bình luận