Nhưng Rashford hoàn toàn không phải sản phẩm trồng từ gốc của học viện Carrington đình đám. Thậm chí, phải nhờ... Man City, MU mới may mắn có được chữ ký của Rashford.
Fletcher Moss là gì?
Một sáng thứ Bảy Hè 1986, tại công viên Fletcher Moss, phía Nam Manchester, vài ông bố ra chơi bóng với con. Nigel Hanson and Howard Isaacs, hai cư dân trong vùng lập nên 2 đội, hẹn nhau định kỳ ra sinh hoạt cho khỏe người.
Do đám con nít cãi nhau chí chóe nên hai ông bố mời Ron Jamieson, vị trọng tài cấp địa phương về giám sát. Bãi cỏ công viên dần thu hút những đứa trẻ khác tới chơi bóng mỗi dịp cuối tuần. CLB Fletcher Moss ra đời từ đó.
Năm 1990, Jamieson trở thành tổng thư ký kiêm chủ tịch Fletcher Moss. Danh tiếng khi ấy của đội bóng phong trào bắt đầu vang xa nhờ lối chơi đẹp mắt. Man City ngay lập tức nhảy vào, ký hợp đồng ghi nhớ cùng lời hứa biến Fletcher Moss thành một chi nhánh trong hệ thống cung ứng người.
Năm 2001, dựa vào mối quan hệ với Man City và MU, Jamieson xin FA cấp giấy phép đào tạo cầu thủ trẻ. Học viện bóng đá phi lợi nhuận Fletcher Moss hình thành, đặt trụ sở ở… công viên Fog Lane.
Video: MU vs Everton
Có thực sự là "sân sau" của MU?
Sau sự kiện Marcus Rashford bỗng nổi tiếng, Fletcher Moss mới được biết đến. Và tổ chức xã hội này chỉ thật sự khiến những ánh mắt tò mò của giới mộ điệu dồn sự chú ý vào mình khi tất cả biết rằng, Rashford không phải món hàng quý giá đầu tiên MU nhận lại từ họ.
Trước đó, Wes Brown, Danny Welbeck, Ravel Morrison, Tyler Blackett, Borthwick-Jackson, Jese Lingaard đều chọn Fletcher Moss làm bệ phóng cho sự nghiệp sau này. Những chi tiết đó vô tình để lại một ấn tượng sơ khai về Fletcher Moss: Đây là cơ sở săn đầu người cho MU.
Không sai, nhưng cũng chẳng đúng. Hai thập kỷ phát triển, Fletcher Moss đã “tuồn hàng” cho 20 CLB trên lãnh thổ xứ sương mù, bao gồm cả nhóm Big 6 tại Premier League. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, Fletcher Moss cắt đứt mọi sợ dây liên lạc với hạng đấu cao nhất nước Anh, ngoại trừ MU. Họ chỉ tập trung đưa cầu thủ sang Macclesfield Town, Rochdale và Crewe. Đấy là lý do làm nhiều người lầm tưởng, Fletcher Moss “ưu ái” MU.
Fletcher Moss hoàn toàn không thu về một đồng lãi nào từ việc bán cầu thủ. Nói trắng ra, họ cho không. Tiền giúp duy trì học viện chủ yếu đến từ những nhà hảo tâm và quỹ phúc lợi của thành phố Manchester. Nhưng con số 100.000 bảng ít ỏi mỗi năm làm Jamieson trăn trở.
Ông không ngửa tay xin tiền những đội hưởng lợi trực tiếp từ Fletcher Moss, chỉ hy vọng nỗ lực vì sự phát triển chung của bóng đá nước nhà sẽ được đền đáp bằng một công việc tuyển trạch nào đó tại những CLB lớn, rồi lại mang tiền lương đem về Fletcher Moss.
Fletcher Moss áp dụng mô hình của TBN và Đức, chỉ nhận học viên trong khoảng từ 5-6 tuổi, có liên lạc điện tử với phụ huynh và cho học viên thường xuyên tham dự các giải đấu cọ xát từ nhỏ trên bất kỳ mặt sân nào. Lingaard cùng đội U7 vô địch lúc 5 tuổi, Rashford lên 6 đã có danh hiệu ở giải U7 cụm Tây Bắc.
Ở Anh thì ngược lại hoàn toàn phải đá mặt cỏ tự nhiên, trên 11 tuổi mới được đấu đối kháng, chủ yếu tập loanh quanh nội bộ tới tận U15.
Jamieson tìm đến Man City và nhắc khéo về bản hợp đồng năm xưa song những gì nhận lại là cái lắc đầu phũ phàng. Nhằm rũ bỏ trách nhiệm, đại diện Man “xanh” chê bai lâu rồi Fletcher Moss toàn tiến cử mấy cậu da đen còi dí, chắc vận may của Jamieson đã hết . Arsenal và Liverpool cũng vin vào cái cớ tương tự. Duy nhất có M.U dang rộng vòng tay chào đón Jamieson.
15 năm trước, nhận thấy tiềm năng của Fletcher Moss, Sir Alex đồng ý cho Jamieson tham gia hệ thống tìm kiếm tài năng trẻ của MU, trích thêm 3 tuần lương của các cầu thủ đến từ Fletcher Moss, đồng thời xem đấy là món quà báo đáp ân tình của Jamieson.
Thất bại của bóng đá Anh
Fletcher Moss không chỉ là cơ sở cung ứng tài năng uy tín. Đây còn là nơi tập hợp của 29 CLB khác nhau với đủ mọi lứa tuổi và giới tính đa dạng.
Bóng đá Anh mấy năm qua tụt hậu so với nhiều nền văn mình khác cũng bởi giải đấu của họ phụ thuộc hoàn toàn vào dàn lính lê dương. Các lò đào tạo danh tiếng như Southampton mất chất khi bị cuốn vào vòng xoáy sính ngoại. 69,2% cầu thủ thi đấu ở Premier League 3 mùa qua không mang quốc tịch Anh. Mang tiếng là cái nôi của làng cầu nhân loại nhưng ĐT Anh đá đâu thua đó, chưa thấy ngày hồi sinh, phần nhiều chính vì cấp cơ sở của họ, ở đây là các CLB chuyên nghiệp thờ ơ với cầu thủ trẻ.
Nghịch lý ở chỗ Fletcher Moss, địa chỉ hiếm hoi sản xuất ra các mặt hàng nội địa đáng tin cậy bị các nhà chức trách ngó lơ. Đội nữ Fletcher Moss Hè 2011 giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhì nhưng FA buộc họ rời giải do cơ sở vật chất nghèo nàn. Jamieson nhận lái xe tải đường dài kiếm thêm tiền song bất lực nhìn đội bóng của mình bị loại tức tưởi.
Đầu năm ngoái, khuôn viên Fletcher Moss giảm quy mô xuống 17 đội vì gánh nặng tài chính. Họ cần 2 triệu bảng xây lại trại khu trung tâm, lắp đèn chiếu cho sân bóng tiêu chuẩn 3G, thêm 10.000 bảng đại tu hàng năm. Hội đồng điều hành Man City từ chối giúp đỡ, Arsenal “giả điếc” trước số tiền 200.000 bảng – 10% từ hợp đồng chuyển nhượng Kyle Bartley sang Swansea Hè 2012. FA bảo “tiền làm việc khác”.
Greg Dyke và cộng sự ở liên đoàn ra sức hô hào về kỷ nguyên mới cùng các cầu thủ home-grown. Nhưng lời nói của nhóm bộ sậu, một cách kỳ lạ, luôn đi ngược với hành động. Họ cứ ra rả nhắc tới biện pháp, chế tài thúc đẩy nền bóng đá nội địa nhưng bỏ mặc Fletcher Moss trước nguy cơ phá sản. Cả nền bóng đá với tuổi đời hơn trăm năm chống lại chiếc phao cứu sinh khả dĩ nhất.
Bình luận