• Zalo

'Nhìn U19, tuyển Việt Nam phải biết khán giả muốn gì'

Thể thaoThứ Năm, 20/11/2014 05:44:00 +07:00Google News

Hãy để cho ĐTQG, cho cả nền bóng đá nhìn vào tấm gương U19 để biết được khán giả muốn gì, và tất cả phải vận hành theo mong muốn đó để tự nuôi mình.

AFF Suzuki Cup đang đến gần, nhưng sự quan tâm của người hâm mộ đối với việc chuẩn bị của ĐTQG Việt Nam cho giải đấu và triển vọng của họ thua xa những gì đã dành cho các cầu thủ U19.

Chào anh Hồng Ngọc! Những trận đấu giao hữu quốc tế chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá Đông Nam Á của đội tuyển Việt Nam chỉ có lèo tèo vài trăm khán giả đến theo diện vé mời, trong khi các trận đấu của đội U19 HAGL Arsenal JMG tại giải mời U21 quốc tế thì chật cứng khán giả. Anh lý giải sự bất thường này như thế nào?

Nếu so sánh với tương quan của mức độ được quan tâm ở các nền bóng đá phát triển với đội tuyển quốc gia và các đội tuyển trẻ của họ thì rõ ràng thực tại đó là bất thường. Nhưng như Hegel nói, tồn tại là hợp lý.

Một nền bóng đá chuyên nghiệp bình thường là nền bóng đá phục vụ khán giả, vì khán giả là những người duy nhất mang lại nguồn thu trực tiếp hoặc gián tiếp cho bóng đá. Nhưng nền bóng đá của chúng ta sau khi giảm bớt sứ mệnh làm “nhiệm vụ chính trị” thì quay sang phục vụ các ông bầu.
Tuyển Việt Nam
Tuyển Việt Nam chuẩn bị kỹ càng cho AFF Suzuki Cup 2014 (Ảnh: Quang Minh)
Khi một đội bóng được đào tạo với sứ mệnh phục vụ khán giả như U19 HAGL Arsenal JMG, thì dĩ nhiên khán giả sẽ chọn họ để quan tâm, cổ vũ – điều này lại bình thường. Sự bình thường trong cái bất thường thì nhìn từ bên ngoài vào sẽ cho cảm giác bất thường.


 

Khán giả không nhận thù lao để có trách nhiệm làm trọng tài hay quan tòa.
 
Một nền giáo dục bình thường là dạy trẻ làm người, với nhân cách, kỹ năng sống, và chuẩn bị cho chúng tham gia vào lực lượng lao động.

Nhưng nền giáo dục của chúng ta chỉ dạy “tri thức” thuần túy mà không cần quan tâm tri thức đó giúp chúng có thể giải quyết những vấn đề gì trong tương lai.

Chúng ta đánh giá các sản phẩm giáo dục của mình dựa trên các điểm số, các kỳ thi “trả bài” – trả lại những gì đã dạy, chứ không phải để thử giải quyết các vấn đề thực tế. Cả nền văn hóa trọng thi cử của chúng ta đánh giá cao những người thi giỏi, bằng cấp cao hơn hẳn những người thợ lành nghề, thậm chí hơn cả những kỹ sư đang được trọng vọng ở các hãng sản xuất lớn.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những “học sinh giỏi” U19 đang được tôn vinh, hơn cả những tuyển thủ quốc gia đã có cả thập kỷ xác lập chỗ đứng của mình trong nền bóng đá.


-Chứ không phải là khán giả đang không công bằng, đang thiên vị các cầu thủ U19 như nhiều người đang quy kết?

Khán giả không nhận thù lao để có trách nhiệm làm trọng tài hay quan tòa. Cũng như mỗi các cá nhân được dẫn dắt bởi việc theo đuổi lợi ích của chính mình, các khán giả cũng vậy. Họ phải bỏ thời gian, tiền bạc, và cả công sức để đến sân, thì họ phải nhận lại gì đó, ở đây là sự thỏa mãn với những thứ họ đang tìm kiếm.

Đội U19 làm được điều đó, mà các yếu tố tôi nói ở trên là những nguyên nhân quan trọng, còn ĐTQG vào lúc này thì không.


-Nhưng truyền thông phải làm điều gì đó, vì nó còn có nhiệm vụ định hướng dư luận, để trả lại sự công bằng cho đội tuyển quốc gia?

Đó là ảo tưởng của truyền thông kiểu tuyên truyền. Hoặc ít nhất thì là sự ngạo mạn kéo dài của báo chí cổ điển khi truyền thông xã hội chưa phát triển. Bây giờ là một thời kỳ khác, mạng xã hội đã kịp lan tỏa và xây dựng cho mình các quan điểm từ trước khi truyền thông chính thống cất tiếng.
Người ham mộ kỳ vọng gì ở tuyển VN
Tuyển Việt Nam phải học cách đá vì người hâm mộ (Ảnh: Quang Minh)
Để thay đổi “quan điểm” đó, anh phải thuyết phục hơn, mà có lẽ là đánh trúng tâm lý đám đông hơn. Nhưng khi anh đánh trúng tâm lý đám đông thì anh đã nương theo họ rồi, chứ anh không còn vai trò “định hướng dư luận” nữa.


 

Hãy để cho ĐTQG, cho cả nền bóng đá nhìn vào tấm gương U19 để biết được khán giả muốn gì, và tất cả phải vận hành theo mong muốn đó để tự nuôi mình
 
Trái lại, hãy để cho ĐTQG, cho cả nền bóng đá nhìn vào tấm gương U19 để biết được khán giả muốn gì, và tất cả phải vận hành theo mong muốn đó để tự nuôi mình, chứ không phải cứ tiếp tục nương thân vào các ông bầu và đòi hỏi khán giả tới sân, chỉ vì suy nghĩ mình mới “đích thực” là đại diện cho nền bóng đá quốc gia.


-Có lẽ anh quá đề cao vai trò của mạng xã hội. Vậy rốt cục thì báo chí chính thống còn vai trò gì trong quá trình thông tin và tác động tới nhận thức của khán giả nữa?

Báo chí chính thống có các chuẩn mực làm báo về đạo đức và tác nghiệp, để trở nên đáng tin cậy hơn so với mạng xã hội. Chúng ta đọc mạng xã hội để biết có việc xảy ra như vậy, nhưng chỉ biết chắc chắn khi có báo chí chính thống đưa tin.
Tuyển Việt Nam phải hiểu khán giả muốn gì (Ảnh: Quang Minh)
Chuẩn mực quan trọng nhất của báo chí chính thống chính là đạo đức nghề nghiệp. Không đơn giản là đáp ứng thị hiếu khán giả, độc giả, mà còn là thị hiếu nào, thị hiếu của phần con hay của phần người. Truyền thông chính thống còn phải tránh việc tấn công cá nhân, và đó là khó khăn lớn nhất vì mọi sai lầm cuối cùng đều có vai trò cá nhân.

Nó phải nhấn mạnh vào sai lầm của hành vi hay của quan điểm, nhưng với tính chất tìm ra sai lầm là để sửa chữa chứ không phải để vùi dập.


Sự khác biệt giữa thiện và ác có thể chỉ nằm ở việc hướng về xây dựng hay đập phá. Có những việc xây dựng phải bắt đầu từ đập phá, nhưng có vô số việc đập phá không phải để xây dựng. Thiện ý qua đó mà được toát lên.
Việt Nam 3-1 Malaysia

Theo TTVH
Bình luận
vtcnews.vn