• Zalo

Nhìn lại những chỉ tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2016

Kinh tếThứ Hai, 08/02/2016 07:16:00 +07:00Google News

Năm 2016, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có nhiều điểm sáng hơn nữa so với năm 2015 và sẽ hoàn thành xuất sắc được mọi chỉ tiêu kinh tế quan trọng

(VTC News) - Năm 2016, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có nhiều điểm sáng hơn nữa so với năm 2015 và sẽ hoàn thành xuất sắc được mọi chỉ tiêu kinh tế quan trọng mà Quốc hội đã đề ra.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Dù có nhiều biến động trên trường thế giới tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước, song tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.


Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát khoảng 2%, thấp nhất trong 15 năm qua. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt khoảng 6,5%, vượt kế hoạch đề ra. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả tích cực bước đầu.

Tuy nhiên, kinh tế nước ta, nhất là khu vực kinh tế trong nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại.

Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp; kết quả ứng dụng khoa học - công nghệ còn nhiều hạn chế. Tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa đạt tiến độ đề ra.
Trong năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII như sau:

Tăng trưởng GDP

Chỉ tiêu đầu tiên cho nền kinh tế Việt Nam năm 2016 là đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,7%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2015 (6,68%) và cao nhất tính từ năm 2008 đến nay.

Tuy nhiên mức chỉ tiêu này vẫn được coi là hợp lý bởi phù hợp với đà tăng lên của 3 năm qua, của các quý trong năm 2015.

Thứ hai, đó cũng là tốc độ tăng phù hợp với các yếu tố tác động của năm 2016 như về vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn, công nghiệp - xây dựng đã trở lại thành động lực và đầu tàu tăng trưởng chung, quy mô xuất khẩu và lợi nhuận xuất khẩu tăng lên,...

Mặt khác đây cũng là điều kiện cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch 5 năm 2016-2020, tránh bẫy thu nhập trung bình, chống tụt hậu xa hơn.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu trong năm 2016 Việt Nam sẽ phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người là 2.450 USD sau khi đạt GDP bình quân đầu người là 2.109 USD trong năm 2015, tăng 57 USD so với năm 2014.

Lạm phát

Chỉ tiêu về lạm phát trong năm 2016 đó là chỉ số CPI tiếp tục được kiểm soát dưới ngưỡng 5%, thấp hơn tốc độ tăng GDP (6,7%).

Trong khi đó khả năng năm 2016 cũng không tăng đột biến, vì hàng hóa nhiều nước sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, trong khi thuế nhập khẩu giảm, giá thế giới giảm hoặc tăng thấp; nhu cầu ở trong nước cũng chưa vượt quá cung để tạo ra “cầu kéo”.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nhiều khả năng năm 2016, CPI (chỉ số lạm phát) sẽ tăng trở lại, song cũng có những yếu tố khiến cho chỉ số này giảm.

"Mức giá CPI ở mức cao thường duy trì dài hơn là ở mức thấp, vì vậy có khả năng CPI năm 2016 có thể ở mức cao nếu chúng ta không có những biện pháp điều hành gắt gao, thậm chí vượt quá cả mục tiêu dưới 5% đã đề ra.", bà Thủy phát biểu.

Cán cân thương mại

Tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 tuy không cao hơn so với tốc độ tăng của năm trước, nhưng có 3 điểm nhấn. Đó là, mức tăng tuyệt đối cao hơn (16,5 tỷ USD so với gần 15 tỷ USD), hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu và tốc độ tăng GDP ở mức khá (gần 1,5 lần), phù hợp với việc mở cửa, hội nhập sâu, rộng, với tầm cao mới.
Xuất khẩu tăng khá, nhưng do nhập khẩu tăng cao hơn, nên nhập siêu theo kế hoạch đã tăng lên so với năm trước cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu.

Nhập siêu tăng so với năm 2015 tuy thể hiện đà tăng trưởng cao lên, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng cao lên, nhưng lại làm mất cân đối về cán cân thương mại là xu hướng không tốt bởi nó liên quan đến sức cạnh tranh lâu dài của Việt Nam.

Do đó, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2016 là nhập siêu ở mức dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, với xuất khẩu tăng khoảng 10%.

Cân đối ngân sách

Bội chi ngân sách/GDP - chỉ tiêu cân đối kinh tế vĩ mô có tầm quan trọng hàng đầu của một đất nước trong năm 2016 được đề ra là 4,95% GDP. Ngân sách thu được 1.014,5 nghìn tỷ đồng, chi là 1.273,2 nghìn tỷ đồng.

Trong điều kiện cân đối thu/chi ngân sách gặp nhiều khó khăn, nợ công, nợ nước ngoài ở mức cao, dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng cũng chỉ mới vượt ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế, nên vấn đề đặt ra là cần làm cho chiếc bánh GDP to ra để có điều kiện giảm bội chi ngân sách.

Mặt khác, chỉ tiêu cho nợ công Việt Nam năm 2016 sẽ ở mức 63,2% GDP, với con số của năm 2015 là 61,3% GDP.

Tổng vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP theo mục tiêu 2016 là 31% GDP, không chênh lệch quá lớn với tỷ lệ đã đạt của năm 2015 là 32,6% GDP.

Trong khi đó, do mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cao hơn năm trước. Do đó sẽ cần phải đẩy mạnh việc thu hút và thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng tăng mạnh để tận dụng thời cơ khi Việt Nam tham gia TPP, thực hiện các FTA thế hệ mới, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, Việt Nam sẽ phải nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm hệ số ICOR hiện đang ở mức cao so với nhiều nước khác trên thế giới.

Huyền Trân
(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn