• Zalo

Nhiều ưu đãi thuế, vì sao doanh nghiệp chưa biết tận dụng?

Kinh tếThứ Tư, 22/01/2014 10:45:00 +07:00Google News

(VTC News) – Từ đầu năm 2013 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp, nhưng hiệu quả tác động chưa cao.

(VTC News) – Từ đầu năm 2013 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp, nhưng hiệu quả tác động chưa cao.

Ưu đãi nhiều vẫn khó

Mới đây, dư luận xôn xao trước những món quà thưởng tết kiểu “độc nhất vô nhị” của doanh nghiệp. Có lẽ, ít ai hình dung được rằng, trong thời kinh tế thị trường này, gạo, nước mắm, tương ớt, hay lịch bloc, giấy vệ sinh… lại được dùng làm quà thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên của nhiều doanh nghiệp. 

Tất cả chỉ vì tiêu thụ hàng hóa khó khăn, tồn kho cao khiến chính sản phẩm kết tinh lao động của công nhân, giờ trở lại với họ như là một phần thưởng chẳng ai mong đợi, khi Tết đến xuân về.
 Được hưởng nhiều ưu đãi thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp còn thụ động

Tất nhiên, ai cũng hiểu, trong bối cảnh khó khăn, người lao động cần  phải sẻ chia cùng lãnh đạo doanh nghiệp, chung sức giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn sau một năm kinh doanh kém hiệu quả. 

Nhưng, đằng sau câu chuyện khôi hài nói trên, liên tục tái diễn trong vài năm trở lại đây là hiện thực ngày càng đáng lo ngại về sức tiêu thụ hàng hóa chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Mặc cho trong năm vừa qua, nhiều biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được thực hiện rất nhanh chóng và kịp thời, nhưng sự tác động gần như chưa rõ nét.

Đáng chú ý, ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã liên tục ban hành một số chính sách thuế theo hướng giảm và gia hạn thời gian nộp đối với một số sắc thuế như thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, thực tế đã cho thấy các biện pháp này vẫn chưa tạo được sức tác động như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Nên giảm thuế trực tiếp cho sản phẩm

PGS-TS.Lê Huy Đức, trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, các chính sách thuế trong năm qua chủ yếu tập trung tác động về phía tổng cung, thông qua các biện pháp kích thích đầu tư, tạo năng lực sản xuất… mà chưa chú trọng đến kích thích tiêu dùng dân cư. Một số khuyến cáo về việc hỗ trợ phía cầu thông qua giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… đánh trực tiếp vào hàng hóa, dịch vụ đã được nhiều chuyên gia đưa ra trong năm qua, song đều không được thực hiện.

Từ phía nhà quản lý, việc giãn, giảm thuế trong bối cảnh sức ép về thu ngân sách được dẫn giải như là sự nới tay hết mức có thể cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở góc nhìn của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), vấn đề lại trở nên rất khác. Eurocham cho rằng, mức thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với một số mặt hàng hiện nay đang tạo điều kiện cho việc buôn lậu, làm hàng giả và các hoạt động trái phép khác, khiến cho Nhà nước thất thu nguồn ngân sách lớn.

Trong cuốn Sách Trắng năm 2014, Eurocham đã kiến nghị nên xóa bỏ thuế nhập khẩu trong Hiệp định FTA giữa EU và Việt Nam sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu không đi kèm với việc gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chuyển sang cơ chế tính mức thuế suất duy nhất gọn nhẹ.

Lấy dẫn chứng với ngành rượu vang và rượu mạnh, đại diện của tổ chức này cho rằng, việc giải tỏa các gánh nặng về thuế và cải cách mức thuế suất duy nhất dựa trên nồng độ cồn sẽ góp phần giúp Chính phủ ngăn chặn được hiện tượng buôn lậu, làm hàng giả… Từ đó kiểm soát và tăng thu từ luồng thương mại chính ngạch, đạt được nhiều mục tiêu về ngân sách và chính sách xã hội.

Cũng chung góc nhìn từ những hỗ trợ của chính sách thuế, TS. Nguyễn Minh Ngọc (trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, thời gian tới các chính sách này cần được điều chỉnh nhằm tạo môi trường và động lực tốt hơn để thúc đẩy quá trình đổi mới ở các DN tư nhân theo hướng hiệu quả và bền vững.

TS. Ngọc dẫn kết quả điều tra những đổi mới ở các doanh nghiệp tư nhân trong năm 2013 so với các năm 2011 và 2012, qua đó cho thấy tính thụ động trong đổi mới của doanh nghiệp trước những thay đổi của môi trường kinh doanh và khách hàng. Bên cạnh đó, luật pháp và thể chế chậm thay đổi và chưa hỗ trợ nhiều cho sự đổi mới của doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chiến lược cạnh tranh bằng giá thấp đang có xu hướng được áp dụng ngày càng phổ biến. Điều này thể hiện ở tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng chiến lược này đang tăng lên, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng chiến lược cạnh tranh bằng cách tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm đang giảm dần. 

Tính chung trong 20% số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi chiến lược cạnh tranh, có khoảng 12% áp dụng chiến lược cạnh tranh bằng giá và 8% áp dụng chiến lược tạo sự khác biệt cho sản phẩm, bà Ngọc cho biết.

Kết quả trên phản ánh sự nhanh nhạy của doanh nghiệp để đáp ứng thay đổi khả năng chi tiêu của khách hàng trong năm vừa qua, đồng thời đối phó với áp lực cạnh tranh giữa các sản phẩm ngày càng gia tăng trên thị trường. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, đây chỉ là sự chuyển đổi tạm thời để giải quyết khó khăn trước mắt trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Trong dài hạn, doanh nghiệp vẫn cần chú trọng tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững và thâm nhập được vào các thị trường bậc cao.

Vì vậy, bà Ngọc khuyến cáo, về lâu dài các doanh nghiệp vẫn phải hướng đến tạo sự khác biệt và nâng cao chất lượng cho sản phẩm và dịch vụ. Để làm được điều này, Chính phủ cần có chính sách giảm thuế trực tiếp trên sản phẩm, như thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng tiêu dùng để giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của chiến lược cạnh tranh giá thấp.

Khánh Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn