Xu hướng ngành học mới
Hơn 10 trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm nay đều mở thêm các ngành mới gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ đại học chính quy, mở thêm 17 ngành học mới. Trong đó, có nhiều ngành học tiên tiến công nghệ cao như: Khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; Khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường...
PGS.TS Hoàng Anh Huy, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, năm nay trường mở thêm 5 mã ngành đào tạo mới, gồm: ngành Marketing; Quản trị khách sạn; Logistic và Quản trị chuỗi cung; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.
Những ngành này phù hợp nhu cầu phát triển lao động hiện nay, kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào bài toán khát nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội trong những năm tới.
Về phân bổ chỉ tiêu cho các ngành đào tạo, PGS Huy thông tin dự kiến năm nay trường sẽ lấy 50% tổng chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi THPT 2020; 50% chỉ tiêu cho phương thức sử dụng điểm học bạ THPT. Tuy nhiên lượng phân bổ chỉ tiêu có thể thay đổi dựa theo số lượng thí sinh đăng ký nhập học bằng hai hình thức trên.
PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải cho biết, trường đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh 2020. Phương thức tuyển sinh cơ bản giữ ổn định như năm 2019 với hai lựa chọn: xét tuyển học bạ (khoảng 5-10% chỉ tiêu) và xét kết quả thi THPT quốc gia.
Trong khi một số ngành công nghệ bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế xã hội đang thu hút sự quan tâm của thí sinh thì những ngành truyền thống ngày càng khó tuyển sinh.
PGS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, sẽ dừng tuyển sinh ngành Công nghệ Vật liệu Dệt may và Kỹ thuật nữ công trong năm 2020 vì khó tuyển sinh. Ngành nghề thủ công cũng đã lạc hậu, được máy móc thay thế, không còn thật sự phù hợp nên trường đửaa quyết định này.
Đồng loạt giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia
Nhìn chung các trường đại học đều mở thêm nhiều phương thức tuyển sinh mới, giảm số chỉ tiêu thí sinh lấy từ kết quả thi THPT quốc gia 2020.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2020, các trường ĐH, khoa thành viên xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia, xét tuyển kết hợp kết quả thi 2 môn thi THPT quốc gia và chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên; sử dụng phương thức xét tuyển SAT, A-Level.
Năm 2020, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia xuống còn khoảng 40%. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM lên 40%. Như vậy, với tổng chỉ tiêu dự kiến 3.500, trường ĐH này chỉ có khoảng 1.400 chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới.
Trường ĐH Bách khoa TPHCM dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển năng lực từ 20 đến 50% tổng chỉ tiêu trong năm 2020. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh vài năm gần đây cho thấy nguồn thí sinh trúng tuyển chính vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn từ phương thức xét điểm kỳ thi THPT quốc gia. Chẳng hạn, năm 2019 trường dành 50-72% tổng chỉ tiêu lựa chọn bằng phương thức này nhưng thí sinh trúng tuyển thực tế vẫn trên 70%. Điều này do đặc thù đào tạo ngành kỹ thuật, nhiều thí sinh đến từ các địa phương mà vẫn quan tâm nhiều tới kỳ thi chung.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cho biết, năm 2020, trường tiếp tục tăng chỉ tiêu xét điểm bài thi năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức theo đúng lộ trình, từ 30% năm 2019 lên tối đa 40% (trước đó năm 2018 tuyển 20%).
Sau khi trừ chỉ tiêu xét tuyển thẳng tối đa 20% thì chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia còn khoảng 40%. Như vậy, tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 của Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM sẽ giảm 10% so với năm 2019.
Bình luận