Tại Quảng Bình, mưa lớn xuất hiện từ đêm 30/10 và kéo dài cho đến sáng nay (1/11) khiến nước sông dâng cao và tràn vào nhà dân, một số thôn xóm tại các địa phương thuộc tỉnh Quảng Bình đã bị cô lập.
Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến thời điểm13h ngày 31/10 trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to.
Đặc biệt, ở các huyện phía Bắc Quảng Bình lượng mưa rất lớn như tại Tân Mỹ 330mm, Ba Đồn 299mm. Lượng nước trên sông Kiến Giang, sông Long Đại, sông Gianh đang lên nhanh.
Sáng 1/11, Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết, hiện tỉnh Quảng Bình đã có thiệt hại ban đầu về người và tài sản.
Nạn nhân tử vong là ông Trần Minh Hoạch (SN 1963, trú quán tại thôn Phú Xuân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch). Theo đó, khoảng 5h sáng 31/10, ông Hoạch đến tàu cá tát nước để tránh nước ngập máy thì bị ngã và tử vong.
Hiện đã có ít nhất 690 ngôi nhà ở Quảng Bình bị ngập. Ngoài ra, nhiều hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) bị sạt lở, hư hại nặng khoảng trên 100m.
Một số tuyến đê kè của thôn Tiên Xuân - xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn), thôn Công Hoà - xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn) bị xói lở nghiệm trọng và gây ngập cục bộ tại các thôn này. Tại Quốc lộ 9B, tại Km 43+700 ngập 0.4m; Quốc lộ 15: tại Km553-Km556+200 và Km562+200 (Ngầm Bùng) ngập sâu từ 1-1,5m.
Đường 559 đoạn Km14-Km18+400 bị ngập sâu 1m; Đường 559B tại Km31+350 (Nầm Tràn) nước ngập 0.6m.
Đặc biệt, tại xã Dân Hóa (Cha Lo) và ngầm 23, 25 trên đường 10, thuộc địa bàn xã Ngân Thủy (đường lên đồn làng Ho) của huyện Tuyên Hóa đang bị ngập nặng, phương tiện giao thông không thể qua lại được.
Tại huyện Minh Hóa, nhiều tuyến đường đã bị ngập sâu khiến nhiều nơi bị chia cắt nghiêm trọng. Trong đó, đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa bàn thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa cũng bị ngập sâu, các phương tiện không thể qua lại được.
Mưa lũ cũng khiến một số địa phương bị ngập lụt như xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch); xã Mai Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa); xã Cảnh Hóa, Phù Hóa (huyện Quảng Trạch); xã An Ninh (huyện Quảng Ninh); một số xã thuộc thị xã Ba Đồn....
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Tuyên Hóa, hiện toàn huyện có 476 nhà ngập; trụ sở UBND các xã: Mai Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa và 9 trường học bị ngập.
Nước lũ lớn và chảy xiết đã chia cắt một số đoạn trên đường 20 - Quyết Thắng (H.Bố Trạch) từ xã biên giới Thượng Trạch về xuyên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khiến nhiều người bị mắc kẹt trong hơn 3 giờ đồng hồ. Trong đó có nhiều đoàn từ thiện đi cứu trợ cho người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ trước
Các thôn Cao Xuân, Kim Nại (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) bị ngập trong nước lũ. Nước lũ dâng đã chia cắt nhiều địa bàn như xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn).
Ông Hồ Thanh Đá – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) – vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình cho biết, nước sông hiện đang dâng và tràn vào một số nhà thuộc thôn 4, tuyến đường duy nhất vào xã cũng bị ngập từ hôm qua 31/10 khiến xã này bị cô lập.
Các hồ thủy lợi các xã Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Liên (huyện Quảng Trạch) liên tiếp xã lũ khiến mực nước tăng nhanh làm nhiều nhà dân bị ngập. Tại các xã Liên Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy (huyện Lệ Thủy) nước lũ lên nhanh đang tràn vào nhà dân.
Mưa lớn kéo dài khiến nước lũ dâng cao gây ngập úng và chia cắt nhiều địa bàn như xã Phù hóa (huyện Quảng Trạch), các xã Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn).
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều qua (31/10) ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhằm quán triệt phương án phòng, chống và ứng phó với tình hình lũ lụt.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó.
Chủ động tổ chức, thực hiện các phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân. kêu gọi người dân chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng trong thời gian mưa lũ, bị cô lập. Đồng thời kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, neo đậu an toàn, tránh việc tàu thuyền bị trôi, chìm.
Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn chú trọng công tác kiểm tra rà soát phương án phòng chống lũ lụt, có phương án điều tiết nước các hồ chứa.
Sở Giao thông Vận tải, cảnh sát giao thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã chuẩn bị lực lượng để phân luồng giao thông cũng như ứng cứu kịp thời tại các tuyến đường bị ngập, các con ngầm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng người dân khi phương tiện lưu thông.
Video: Liều mình cứu sản phụ, người đàn ông bị lũ cuốn trôi ở Quảng Bình
Bình luận