Trong đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng UBND TP.HCM đã điều chỉnh dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên mà chưa tuân thủ trình tự thủ tục và thông qua cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định.
Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 17.388 tỷ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007, sau nâng lên hơn 47.325 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức vốn trên, dự án đã đã trở thành dự án trọng điểm quốc gia thì phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư.
Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn. Thực tế, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) mới chỉ xác nhận sẽ tính đến việc bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay.
Thêm nữa, quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh không đúng khi giá trị được lập với hai loại tiền. Và với mỗi loại tiền lại được tính toán trượt giá khác nhau, như tiền đồng Việt Nam là 10,6%/năm còn tiền Yen (Nhật Bản) là 2,4%/năm.
Về tổng mức đầu tư, Kiểm toán Nhà nước khẳng định do hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ, nhiều hạng mục công trình còn có khoảng 60% giá trị, chưa đảm bảo cơ sở để xác định giá trị tính toán.
Trong khi đó, vào tháng 11/2018, lãnh đạo TP.HCM lại thông tin TP.HCM đã ký hiệp định vay vốn với phía đối tác Nhật Bản, 35.000 tỷ đồng đã sẵn sàng, chờ cấp có thẩm quyền gật đầu thì TP.HCM sẽ có nguồn tiền này. Trong thời gian này, TP.HCM đã tạm ứng kinh phí để dự án được tiếp tục.
Ngoài ra, theo thông báo từ Sở GTVT TP.HCM, dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 4/2007 và phê duyệt điều chỉnh vào tháng 6/2008.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 126,582 tỷ Yên (tương đương 1,091 tỷ USD hoặc 17.387,655 tỷ đồng), bao gồm 83% vốn vay ODA của JICA và 17% vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Tuyến đường sắt này có chiều dài 19,7 km (2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao) và đi qua 14 nhà ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao).
“Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh lại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (theo văn bản số 1506/TTg-KTN ngày 25/8/2011). Dự kiến việc đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu của các gói thầu chính của dự án sẽ được tiến hành sau khi dự án được điều chỉnh”, thông báo của Sở GTVT TP.HCM nêu rõ.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng của Bộ KH&ĐT vào tháng 12/2017 nêu rõ, TP.HCM đã có sự hiểu khác về công văn số 1506/TTg-KTN ngày 25/8/2011 cho rằng dự án đã được phê duyệt tổng mức đầu tư nên không báo cáo Thủ tướng khi chưa phê duyệt điều chỉnh mức đầu tư dự án.
Bình luận