• Zalo

Nhiều phụ huynh chưa đồng ý cho học sinh đến lớp: Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì?

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 18/02/2022 15:47:00 +07:00Google News

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng trước lo lắng của phụ huynh về kết quả học tập của trẻ khi chưa yên tâm gửi con đến trường.

Ngày 21/2, học sinh tiểu học và lớp 6 ở các quận nội thành ở Hà Nội trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing, ở một số trường, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đến lớp chỉ ở mức trên 50%. Một số trường khác có tỷ lệ cao hơn nhưng vẫn còn gia đình chưa muốn con chuyển sang học trực tiếp vì chưa yên tâm.

 
Nhiều phụ huynh chưa đồng ý cho học sinh đến lớp: Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì? - 1

Học sinh tiểu học ở các quận nội thành Hà Nội sẽ trở lại trường từ ngày 21/2. (Ảnh minh họa: Thạch Thảo)

Tổ chức dạy học song song

Trước những lo lắng của phụ huynh về việc chưa cho con đến trường có ảnh hưởng gì đến đánh giá kết quả học tập hay không, trao đổi với Zing, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khẳng định học trực tuyến sẽ không ảnh hưởng đến kết quả đánh giá. Ông cho rằng với học sinh tiểu học, việc đánh giá thường xuyên không quá khó khăn.

Để đảm bảo việc học cho trẻ thuộc diện F0, F1 hoặc không thuộc diện này nhưng gia đình lo lắng, chưa để con đến trường, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường tổ chức dạy học song song, kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Ông Tiến cho hay các lớp sẽ lắp camera để truyền hình ảnh trực tiếp của lớp học đến học sinh ở nhà. Như vậy, trẻ vẫn tiếp thu nội dung bài học một cách bình thường.

Cách làm này cũng đang được các trường tiểu học ở 18 huyện, thị xã ngoại thành áp dụng. Nếu đủ điều kiện, trường lắp camera ở tất cả lớp. Nếu điều kiện còn hạn chế, trường lắp ở một vài lớp nhưng đảm bảo khối nào cũng có.

Thực tế, theo ghi nhận của Zing, trong quá trình chuẩn bị đón trẻ trở lại trường, các trường đã chuẩn bị phương án dạy học song song.

Tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Đông), với khối 3, 4, 5, trường lắp camera trong phòng học để phát trực tiếp bài giảng cho học sinh ở nhà học cùng những em ở lớp. Với khối 1, 2, trường bố trí giáo viên dạy học trực tuyến trái buổi (có thể vào buổi tối) cho học sinh chưa đến trường.

Trường Tiểu học Vạn Phúc (Hà Đông) đưa ra phương án mỗi khối lập một lớp vừa dạy học trực tiếp vừa trực tuyến hoặc luân phiên dạy online giữa các lớp. Những em chưa đi học sẽ học online ở lớp này. Phòng học được cài đặt thiết bị để giáo viên dạy trực tiếp đồng thời chuyển bài giảng tới học sinh ở nhà học.

Các trường chuẩn bị sẵn sàng và Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến khẳng định quan điểm của sở là cho phụ huynh chủ động lựa chọn, tôn trọng quyết định của phụ huynh về việc có cho con đến trường hay không.

Ông cho biết nếu cha mẹ học sinh còn lo lắng, trường không ép buộc họ gửi con đến trường. Nhà trường vẫn đảm bảo việc dạy học cho các con thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

"Tuy nhiên, phụ huynh cần nhận thức đầy đủ việc học trực tiếp tại trường hiệu quả hơn học trực tuyến. Các trường cũng đã chuẩn bị các kịch bản, phương án để xử lý tất cả tình huống xảy ra nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Do đó, phụ huynh có thể yên tâm cho con trở lại trường”, ông Tiến nhấn mạnh.

Nhiều phụ huynh chưa đồng ý cho học sinh đến lớp: Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì? - 2

Nhiều phụ huynh kỳ vọng trường học mở cửa hoàn toàn, cho trẻ học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú. (Ảnh minh họa: Phương Lâm)

Từng bước quay trở lại học bán trú

Một vấn đề khác phụ huynh quan tâm khi trẻ tiểu học trở lại trường là công tác bán trú. Theo quyết định của thành phố, trước mắt, các trường chỉ dạy học trực tiếp một buổi, chưa tổ chức bán trú.

Quy định này khiến không ít phụ huynh gặp khó khăn trong việc đưa đón, chăm sóc con.

Chị Thu Thủy (Đống Đa, Hà Nội) cho biết con chị học lớp 2 ở quận Thanh Xuân, cách nhà 4,5 km. Trước đây, chồng chị đi làm ở Hà Đông, tiện đường đưa đón con vào mỗi buổi sáng và chiều.

Khi trường không mở bán trú, con học một buổi, việc này trở nên khó khăn vì cả hai vợ chồng đều làm việc xa trường, xa nhà. Vì thế, chị mong trường mở bán trú dù vẫn lo lắng về nguy cơ lây nhiễm khi học sinh tiểu học chưa được tiêm.

Thậm chí, không ít phụ huynh từ chối cho con đi học khi trường chưa mở bán trú. Một trường tư thục còn đề xuất tiếp tục dạy học trực tuyến khi kết quả khảo sát cho thấy phần lớn cha mẹ học sinh chưa sẵn sàng đưa con tới lớp vì không có bán trú.

Liên quan chuyện bán trú tại trường học ở Hà Nội, nhiều chuyên gia, lãnh đạo đã lên tiếng.

Trong đó, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng nên mạnh dạn cho phép các trường tổ chức học bán trú nhằm giúp phụ huynh không xáo trộn công việc khi phải thu xếp thời gian đưa đón con mỗi buổi.

Theo ông, nếu trường học chỉ dạy trực tiếp một buổi, học sinh vẫn có thể vui chơi bên ngoài trong thời gian không đến trường. Việc này gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi trẻ học ở trường cả ngày.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương sáng 17/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Không có sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, 2 buổi hoặc ăn bán trú”. Các trường đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch có thể tổ chức học bán trú để tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho phụ huynh và gia đình.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch hôm 17/2, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, đã yêu cầu đơn vị, địa phương tăng cường hỗ trợ cho các nhà trường, đảm bảo cho học sinh từng bước quay trở lại học bán trú nhằm duy trì việc dạy học trực tiếp lâu dài.

Ông cũng giao sở GD&ĐT phối hợp sở Y tế nghiên cứu xây dựng lộ trình để học sinh tiểu học trở lại trường học với các sinh hoạt bình thường, trong đó có ăn bán trú.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp