Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguồn cung bất động sản đang sụt giảm mạnh. Quý 3, sản phẩm bất động sản chào bán giảm 2.200 căn, tức giảm một nửa so với quý 2/2019 và so với quý 3 năm trước thì giảm tới 4.000 căn.
Cũng theo ông Nam, tình trạng này có thể kéo dài hết năm 2020, khi đó hàng hoá sẽ thiếu nghiêm trọng.
Hiện dòng vốn vào bất động sản bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ. Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn vào cho vay dài hạn trước đây là 60% nhưng bây giờ chỉ còn 40% và đang tiếp tục dự thảo xuống 30%.
Việc siết nguồn vốn vào thị trườngbất động sản sẽ càng làm thị trường khó khăn hơn. “Hiện nay, nhiều công ty môi giới bất động sản không có hàng bán; những công ty có hàng nghìn nhân viên phải cho nghỉ việc vì không có dự án để bán”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, theo ông Nam, dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường bất động sản vẫn có điểm sáng. Cụ thể, mỗi năm Việt Nam tăng khoảng 1 triệu dân. Tốc độ đô thị hóa tăng cao. Số dân tăng cơ học ở đô thị tăng rất nhanh, dư địa phát triển đô thị lớn, tâm lý người dân vẫn thích mua va sở hữu nhà. Ngoài ra các công trình khác như bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng vẫn đang phát triển.
“Về trung và dài hạn, vẫn có thể thấy được hướng phát triển cho thị trường bất động sản. Cụ thể, thị trường đang có một điểm sáng là bất động sản nghỉ dưỡng nhiều tiềm năng, từ sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch. Điểm sáng nữa là đầu tư FDI vào Việt Nam tăng cao. Thực tế cho thấy đầu tư vào hạ tầng Việt Nam nhiều năm nay tăng trưởng mạnh”, ông Nam cho hay.
Triển lãm VIETBUILD 2019 Hà Nội lần thứ 3 thu hút sự tham gia của gần 1.600 gian hàng với sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến của hơn 450 doanh nghiệp, trong đó có 286 doanh nghiệp trong nước, 107 doanh nghiệp liên doanh, 63 doanh nghiệp và các tập đoàn nước ngoài đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bình luận