Theo kế hoạch, lãnh đạo và ngoại trưởng từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ nhóm họp tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia vào ngày 24/4 nhằm thảo luận về các nỗ lực xây dựng cộng đồng, quan hệ đối ngoại và các vấn đề khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Cuộc họp này sẽ có sự tham dự của người đứng đầu quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. Tuy nhiên, sự kiện này cũng sẽ vắng mặt một số lãnh đạo đáng chú ý như Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh là thực hiện bước đi có ý nghĩa trong việc đưa ra các giải pháp giải quyết cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar. Đến nay, bất ổn ở quốc gia Đông Nam Á này khiến cho 739 người thiệt mạng và 3.300 người bị giam giữ liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối đảo chính.
Nhận định về cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, điều phối viên Sharon Seah tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho rằng: “Các nhà lãnh đạo nên thuyết phục Thống tướng Min Aung Hlaing ngừng sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình không vũ trang. Đất nước này cần phải thoát khỏi tình trạng bạo lực trước khi bất kỳ hình thức hòa giải nào có thể diễn ra”.
Trước đó, Nikkei Asia đưa tin, ASEAN đang xem xét đề xuất gửi một phái đoàn viện trợ nhân đạo tới Myanmar. Đây được xem là bước đầu tiên, đầy hứa hẹn trong kế hoạch dài hạn nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar hiện nay.
Đối với quân đội, sự tham dự của Min Aung Hlaing cho thấy họ muốn quốc tế công nhận là chính phủ chính thức của Myanmar. Một số nhà phê bình cho rằng ASEAN lẽ ra không nên mời Thống tướng Min Aung Hlaing ngay từ đầu. Hôm 21/4, Giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Brad Adams cho rằng "ASEAN nên đóng một vai trò lớn hơn việc giải quyết cuộc khủng hoảng của Myanmar, chứ không phải mở ra cơ hội để cho người chịu trách nhiệm trong chính biến Myanmar trình bày quan điểm”.
Thay vào đó, nhiều ý kiến cho rằng ASEAN nên tạo điều kiện cho nhóm Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG) - do các chính trị gia ủng hộ dân chủ thành lập gần đây, bị chính quyền quân sự Myanmar đặt ngoài vòng pháp luật. Do đó, thái độ đối với NUG và các bên khác về hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ nhận được sự quan tâm sát sao. Ngoài ra, các cuộc gặp mặt diễn ra bên lề hội nghị này cũng sẽ rất được chú ý.
Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về Myanmar, Christine Schraner Burgener, sẽ đến thủ đô Indonesia vào cuối tuần này trong nỗ lực gặp lãnh đạo quân đội Myanmar. Một phát ngôn viên của Liên hợp quốc cho biết, bà Christine Schraner sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng sẽ "có các cuộc thảo luận với các bên có liên quan đang có mặt ở Jakarta".
Bà Christine Schraner đã đến Đông Nam Á từ đầu tháng 4 song bị từ chối nhập cảnh vào Myanmar. Câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu ASEAN có thúc giục chính quyền quân sự Myanmar mở cửa cho khối tiếp cận, đóng vai trò lớn hơn trong tìm kiếm giải pháp cho bất ổn ở đất nước này.
Tại cuộc họp kín hồi đầu tuần của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đại diện một số nước bày tỏ hy vọng về hội nghị cấp cao ASEAN có thể đề ra giải pháp cho Myanmar. Tuy nhiên, cái khó của ASEAN hiện nay là nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên. Các chuyên gia nhận định đây sẽ là yếu tố trở ngại để tổ chức này đóng vai trò lớn hơn đối với vấn đề Myanmar.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth sẽ không tham dự cuộc họp và cử Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai thay thế. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông Prayuth bày tỏ "quan ngại và lo lắng" về tình hình ở Myanmar, song cho biết ông sẽ ở nhà để tập trung vào công tác chống dịch COVID-19.
Tương tự, Tổng thống Duterte cũng trích dẫn COVID-19 là lý do để chỉ định Ngoại trưởng Teodoro Locsin làm đặc phái viên của Philippines dự họp. “Thông qua Bộ trưởng Locsin, Philippines sẽ truyền đạt cam kết của nước này đối với những nỗ lực chung của ASEAN trong việc giải quyết các mối đe dọa và thách thức đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết, ông Locsin sẽ bày tỏ "sự ủng hộ mạnh mẽ của Philippines" đối với sáng kiến do Brunei và Tổng thư ký ASEAN dẫn đầu đến thăm Myanmar, coi đây là bước đi quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia Bill Hayton, đến từ Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương tại Chatham House của Vương quốc Anh, cho biết số quốc gia "dường như chưa quan tâm đến việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Myanmar".
Theo Hayton, ngay cả khi 9 quốc gia ASEAN khác đồng ý về các đề xuất về Myanmar thì vẫn có hai vấn đề cần phải giải quyết. Thứ nhất, chính quyền quân sự Myanmar có thể từ chối về các giải pháp được đưa ra. Thứ hai, ngay cả khi họ đồng ý, thì phe quân sự sẽ nói chuyện như thế nào với những người ủng hộ dân chủ?
Điều phối viên Sharon Seah cũng cho rằng, việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về Myanmar là bước tiến, song cảnh báo: "Không có gì đảm bảo rằng hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ đạt được kết quả cụ thể. Đó có thể là tiến bộ ở mức khiêm tốn".
Trong khi đó, Charles Santiago, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ ASEAN về nhân quyền, cho rằng nhiệm vụ của khối vào cuối tuần này thật đơn giản. "Sự liên quan của ASEAN sẽ được thể hiện tại cuộc họp hôm 24/4. Đây là hội nghị nhằm bảo vệ tương lai của nền dân chủ trong khu vực”, Charles Santiago nói.
Bình luận