• Zalo

Nhiều kết quả đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng tới châu Âu

Thời sựThứ Hai, 07/12/2015 06:23:00 +07:00Google News

Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã cung cấp kết quả trong chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

(VTC News) - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã cung cấp kết quả trong chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bao gồm cả việc hai bên chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do.

Tại cuộc gặp, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết, trong chuyến thăm châu Âu vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz.

Đây là 3 vị lãnh đạo cao nhất của EU, điều này tạo bước ngoặt quan trọng trong việc trao đổi hợp tác giữa EU và Việt Mam.

Thủ tướnghội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: VGP

Đặc biệt, ngày 2/12, tại Brussels, Bỉ, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Theo ông Bruno Angelet, sau khi hoàn tất việc đàm phán Hiệp định, Việt Nam và EU sẽ có thời gian 2 năm để chuẩn bị và dự kiến Hiệp định sẽ có hiệu lực chính thức vào năm 2018.

Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc và về xuất khẩu EU là thị trường lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Trong số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới thì các nước EU nhập khẩu tới 20%.

Lãnh đạo Việt Nam muốn quan hệ đầu tư của EU sang Việt Nam cao hơn, nhà đầu tư lớn hơn. Năm ngoái EU là nhà đầu tư lớn thứ 6 ở Việt Nam thì trong những tháng đầu năm nay EU đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Lễ ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Ảnh: VGP

Về hỗ trợ phát triển, ông Bruno Angelet cũng cho biết EU không chỉ là nhà tài trợ lớn cho Việt Nam mà còn tài trợ cho Việt Nam những khoản vốn không hoàn lại bên cạnh khoản vay ưu đãi.

"Những khoản tài trợ của EU với Việt Nam sẽ không làm gia tăng gánh nặng nợ cho Việt Nam, mà EU luôn luôn muốn là đối tác quan trọng trong phát triển bền vững lâu dài cho Việt Nam, tạo sự thuận lợi lớn nhất cho Việt Nam," ông Bruno Angele nói.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, tác động đáng kể nhất phải kể đến lĩnh vực xuất nhập khẩu.

 Phái đoàn EU tại Việt Nam cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo đó, sự cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định sẽ là một cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.

Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai Bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.

Liên quan đến sự kiện này, Cao ủy Thương mại Cecilia Malmstrom cho rằng, việc kết thúc quá trình đàm phán là một tin tức tốt lành cho cả EU và Việt Nam.

“Việt Nam là một nền kinh tế có sức bật với trên 90 triệu người tiêu dùng trong đó có một tầng lớp trung lưu đang lên và một lực lượng lao động trẻ, năng động. Thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn và mở ra rất nhiều cơ hội dành cho nông sản, các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ của EU.

FTA này cũng đóng một vai trò quan trọng bởi nó đóng góp vào nỗ lực mạnh mẽ hướng tới sự phát triển bền vững. Hiệp định này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế và phát triển cho người dân trong tương lai. Hiệp định còn giúp tạo nên một hình mẫu về chính sách thương mại với các nước đang phát triển,” Cao ủy Cecilia Malmstrom nói.

Cũng theo Cao ủy Malmstrom, EU và Việt Nam cũng đồng thời cam kết đảm bảo tôn trọng các quyền của người lao động và hỗ trợ cho sự quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Trước đó, cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang châu Âu tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande.

Đáng chú ý, trong chuyến đi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker.

Tham gia đoàn Việt Nam có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng…

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn