(VTC News) - Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sẽ có 117 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định phải điều chỉnh lộ trình từ Quốc lộ 1 sang đường Hồ Chí Minh từ ngày 1/2. Nhưng tới chiều 30/1 vẫn chưa có đơn vị nào báo cáo việc thực hiện.
Từ 1/2, việc phân luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi theo đường Hồ Chí Minh (HCM) đối với doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách theo tuyến cố định trên 1.000 km sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, theo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), tới chiều 30/1, chưa có DN nào báo cáo cụ thể sẽ chuyển đổi hành trình từ Quốc lộ 1A sang đường HCM.
Theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những tuyến vận tải hành khách cố định từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam có cự ly trên 1.000km, có lộ trình qua đi qua QL1 đoạn Hà Nội – Ninh Bình – Thanh Hóa – Vinh (Nghệ An) và ngược lại sẽ đi bằng đường HCM. Các Sở GTVT các tỉnh, thành phố liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện, thời gian thực hiện từ ngày 1/2/2012.
Theo đó, đã có 117 DN, HTX vận tải được Tổng cục Đường bộ yêu cầu điều chỉnh hành trình. Nhưng tính tới chiều 30/1, chưa có đơn vị nào báo cáo sẽ điều chỉnh hành trình.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau ngày 1/2, Tổng cục Đường bộ mới thành lập đoàn kiểm tra đối với các DN, HTX có hành trình trên 1.000 km đi qua đoạn tuyến trên.
Tuy chỉ còn 1 ngày nữa là 117 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định phải đổi lộ trình từ QL1 sang đường HCM, nhưng tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào báo cáo việc thực hiện lên Tổng Cục đường bộ VN. Ảnh minh họa. |
Theo ông Đông, đề án nghiên cứu của Viện Chiến lược GTVT vẫn để xe thông thường như xe con, xe tải có thể lựa chọn hành trình theo đường HCM hoặc đường QL1. Việc điều chỉnh chỉ khó khăn với các xe khách chặng ngắn từ Hà Nội - Vinh (Nghệ An) hay dừng, trả khách dọc đường.
Danh sách 117 DN, HTX vận tải phải đổi lộ trình đã được gửi đến Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt để phối hợp thực hiện. Nếu đơn vị nào không thực hiện đúng hành trình như Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu điều chỉnh sẽ bị xử phạt theo Nghị định 34 của Chính phủ. Sau đó, nếu đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ phát hiện sai phạm sẽ thực hiện xử phạt theo Thông tư 14.
Về các dịch vụ kèm theo như trạm nghỉ, trạm xăng trên hành trình, Thứ trưởng Đông cho biết: “Cơ bản đoạn từ Hà Nội - Vinh đã đầy đủ, không có vấn đề gì lớn, chỉ có đoạn từ Quảng Trị - Kon Tum còn vấn đề”.
Các dịch vụ kèm theo ở giai đoạn 1 khai thác từ Hà Nội – Vinh đã được giao cho Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT bổ sung, nâng cấp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị 22 Sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh hành trình 30% DN có tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định bằng xe ô tô có cự ly từ 300 – 1.000km. Tuy nhiên, đến chiều 30/1, cũng chưa có DN nào có báo cáo số lượng tuyến sẽ điều chỉnh luồng đi đường HCM.
Lê Việt
Bình luận