• Zalo

Nhiều chuyên gia không đồng tình với quan điểm bỏ 'hội phụ huynh' khỏi luật Giáo dục sửa đổi

Giáo dụcThứ Năm, 17/01/2019 15:49:00 +07:00Google News

Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa ban đại diện cha mẹ học sinh vào luật Giáo dục sửa đổi, nhưng cần thực hiện đúng quy định của Nhà nước để tránh những hiện tượng sai lệch.

Sau khi TS Thái Thị Tuyết Dung (trưởng môn Luật Hành chính, Đại học Luật TP.HCM) đề xuất nên bỏ quy định về việc ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, nhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến không đồng tình. Trước đó, một phụ huynh từng gửi đơn lên chính quyền TP.HCM và cơ quan quản lý đề nghị "giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh".

Nên đưa ‘hội phụ huynh’ vào luật Giáo dục sửa đổi

"Không thể bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh", GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới nói.

Theo giáo sư Thuyết, phụ huynh cùng thực hiện giáo dục học sinh thể hiện quyền dân chủ, đảm bảo quyền lợi người thụ hưởng chương trình giáo dục. Sự tham gia của gia đình vào việc giáo dục học sinh cũng là một trong những biện pháp thực hiện kết hợp giữa giáo dục nhà trường và xã hội.

GS-Thuyet

 GS Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: Lao động)

“Chắc chắn phải đưa ban đại diện cha mẹ học sinh vào luật Giáo dục sửa đổi. Khi đó ban cần thực hiện đúng quy định của Nhà nước về hoạt động để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa gia đình và nhà trường, đồng thời tránh hiện tượng lệch lạc trong đại diện ban cha mẹ học sinh”, giáo sư Thuyết nói.

Ban đại diện cha mẹ học sinh nên tham gia vào việc hỗ trợ giáo viên, nhà trường khi thực hiện các biện pháp giáo dục học sinh; ngoài ra ban nên tổ chức trao đổi kinh nghiệm phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục con cái.

Đồng qua điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh là một thiết chế dân chủ không nên bỏ, nhưng phải tìm đúng người, giao đúng việc, có kinh nghiệm tổ chức.

Nếu trường hợp bắt buộc phải có ban này, luật Giáo dục phải chỉ ra quy chế hoạt động để thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhất định. 

TS-Lam

 TS Nguyễn Tùng Lâm. (Ảnh: Lưu Ly)

Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ họp 2 lần/năm. Ban hoạt động thông qua quy chế với tổ chức hội đồng. Phần lớn thời gian là ban họp ở các lớp là chính, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để xử lý các vấn đề của các lớp, lúc nào cần lấy ý kiến chung thì lúc đó mới thống nhất trong ban đại diện của trường.

Hội phụ huynh không nên thiên về việc thu tiền quỹ

Hiện nay ở một số trường, ban đại diện cha mẹ học sinh không thực hiện nhiệm vụ phối hợp hoạt động giữa nhà trường với gia đình là giáo dục học sinh, mà thiên về việc đứng ra tổ chức các quỹ. 

Việc này xuất phát từ nhiều lý do như mong muốn điều kiện học tập của học sinh được cải thiện khi ngân sách Nhà nước eo hẹp. 

Nhưng dù là lý do gì, giáo sư Thuyết cho rằng "hội phụ huynh" không nên thiên về hoạt động thu tiền làm quỹ. Việc chăm lo cơ sở vật chất sẽ do Nhà nước chứ không phải của cha mẹ.

Cha mẹ học sinh có thể tặng lại sách giáo khoa để góp vào tủ sách của nhà trường hoặc cha mẹ cho trường vay tiền để cải thiện điều kiện học tập con em, khi các cháu học xong thì trường sẽ trả lại số tiền đó.

Ý kiến trên của giáo sư Thuyết nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, nhà giáo. 

Mời độc giả gửi ý kiến về địa chỉ email: [email protected]

Nhật Tâm
Bình luận
vtcnews.vn