Video: Nguyên nhân cháy chung cư khiến nhiều người chết ở TP.HCM
Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận Bình Tân, chung cư Nhất Lan từng xảy ra cháy vào ngày 12/10/2017, thiêu rụi nhiều tài sản, vật dụng tại một căn hộ ở tầng 11, làm hàng trăm cư dân hoảng loạn.
Tuy nhiên mới đây, khi kiểm tra chung cư này, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện nhiều vi phạm về PCCC. Đó là Ban quản trị chung cư không tổ chức bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện chữa cháy. Giải trình với đoàn kiểm tra, đại diện chủ đầu tư và Ban quản trị chung cư cho biết là… hết kính phí (?).
Tương tự, tại chung cư Tân Tạo, Ban quản trị cho biết đã hết kinh phí nên chưa sửa chữa hệ thống báo cháy, máy bơm… phục vụ công tác PCCC.
Nhiều chung cư dù được lực lượng cảnh sát PCCC thông báo lịch kiểm tra trước theo quy định nhưng tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư và Ban quản trị chung cư vẫn không cử người có trách nhiệm làm việc để ghi nhận các vi phạm như chung cư Tân Mai, chung cư Nguyễn Quyền, …
Điều đáng nói, lực lượng Cảnh sát PCCC phát hiện chung cư Nguyễn Quyền có nhiều thiếu sót và vi phạm về PCCC như chưa tổ chức thi công các hạng mục giao thông phục vụ chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn và các giải pháp PCCC, chưa lắp đặt hệ thống tăng áp buồng thang, hệ thống thông gió, hút khói tầng hầm... Chung cư này chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC nhưng đã cho 156 hộ dân vào sinh sống.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 23/3, lãnh đạo một số công ty địa ốc tại TP.HCM cho biết, vì lợi nhuận một số chủ đầu tư đã không dành những ưu tiên tốt nhất cho công tác PCCC. Theo quy định, hành lang thoát hiểm là từ 1,4-2,2m, tuy nhiên không ít chủ đầu tư đã “ăn gian” phần diện tích nhằm gia tăng diện tích căn hộ dọc lối đi hành lang.
Thống kê của Cảnh sát PCCC, TP.HCM hiện có khoảng 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao trên 10 tầng. Mới đây, qua kiểm tra 645 chung cư, cơ quan chức năng phát hiện có 7 công trình chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC đã cho phép người dân vào ở.
Nguyên nhân là do chủ đầu tư bàn giao căn hộ theo tiến độ cam kết trên hợp đồng nên các hộ dân sử dụng trước khi cơ quan PCCC kiểm tra, nghiệm thu. Bên cạnh đó, nhà thầu xây dựng công trình không theo đúng thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt, không lập hồ sơ hoàn công, chuẩn bị các tài liệu và điều kiện để phục vụ công tác nghiệm thu và tham gia nghiệm thu công trình theo quy định…
Qua kiểm tra, Cảnh sát PCCC phát hiện nhiều công trình không bảo đảm các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng. Tình trạng tự ý xây dựng cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, cầu thang thoát nạn và câu mắc hệ thống điện, sử dụng thiết bị điện không an toàn rất phổ biến.
Theo thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, quyền Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, quy định hiện nay yêu cầu khi xây dựng các công trình nhà cao tầng, việc bảo đảm an toàn PCCC phải được thẩm duyệt kỹ càng trong hồ sơ thiết kế. Khi công trình hoàn thành, đưa vào vận hành phải được cơ quan PCCC kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục như hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm...
Thế nhưng, trên thực tế rất nhiều chung cư đã có người vào ở trong điều kiện hệ thống PCCC đầu tư sai, chưa hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ và gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho cư dân.
Video: Cháy chung cư cao cấp ở TP.HCM: Dân hoảng loạn la hét, nhảy từ tầng cao xuống
Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Giếng trời” gây thảm họa
Theo ông Đực, công tác PCCC trong các chung cư được thẩm duyệt rất kỹ, nhưng chỉ dừng lại ở khâu phòng chống chữa cháy, vì luật không bao quát hết. Khi chung cư có hỏa hoạn, nếu mổ xẻ thì tùy theo nhiều trường hợp, trong đó có năng lực, quan điểm và đạo đức của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế. Còn vụ cháy ở chung cư Carina Plaza bước đầu xác định xuất phát ở vị trí tầng hầm, nơi này dễ cháy nhất ở bất kỳ chung cư nào.
Ngoài ra, “giếng trời” ở giữa tòa này trở thành ống dẫn, hút khói khi vụ cháy xảy ra. Khói lên cao lan tỏa vào các căn hộ bên trên. Nếu không có “giếng trời” thì thiệt hại sẽ bị hạn chế. Thiết kế này là một sai lầm của chủ đầu tư. Hiện nay, nhiều dự án thiết kế khoảng cách chống cháy, ánh sáng theo chiều ngang, hạn chế thiết kế theo chiều dọc, nhiều vụ không cháy nhiều, nhưng thương vong xảy ra nhiều do ngạt khói khi bị hút lên tầng cao.
Đình Du
Bình luận