Khối u 10cm mà không biết
Do đặc thù công việc giáo viên phải đứng nhiều, chị Nguyễn Thị Hằng, 36 tuổi ở Bắc Giang thấy chân đau nhưng ban đầu nghĩ do bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên càng ngày chân trái của chị càng đau, không thể đi lại và gấp khớp gối được nên chị đã đến Bệnh viện Việt Đức để khám và điều trị.
Chị Hằng rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo mắc u tế bào khổng lồ, khối u đã “ăn” gần hết khối lồi cầu ngoài chân trái (khớp gối trái), để lại khoảng rỗng trong xương rộng 10cm, dù trên bề mặt không gây ra bất kỳ triệu chứng sưng nào.
TS.BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật chi dưới, BV Việt Đức cho biết, trường hợp của chị Hằng buộc phải phẫu thuật lấy u, sau đó nếu u không tái phát, chị sẽ phải thay khớp gối nhân tạo chuôi dài (khớp gối nhân tạo loại đặc biệt) với chi phí lên tới gần 300 triệu đồng.
Dù rất đắt nhưng loại khớp này không có sẵn, bệnh nhân phải chờ đợi thời gian dài. Trong thời gian chờ đợi, chị Hằng buộc phải nghỉ dạy, cuộc sống bị đảo lộn do đi lại hết sức khó khăn.
Tương tự, anh Đặng Văn Dũng, 43 tuổi ở Hưng Yên cũng đến Bệnh viện Việt Đức khám do đau khớp gối, đi lại khó khăn. Tình trạng của anh Dũng nặng hơn chị Hằng, khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện u tế bào khổng lồ “ăn” hết hai lồi cầu xương đùi và 1/3 đầu dưới xương đùi trên đoạn rất dài.
TS Tùng cho biết, u tế bào khổng lồ là u lành tính nhưng hay tái phát, hay gặp ở xương dài như chân, tay, trong đó 50% bị ở khớp gối. Các đại thực bào gây tiêu huỷ xương trên diện rộng khiến bệnh nhân không thể đi lại, điều trị với chi phí lớn nhưng tỉ lệ thành công thấp, dễ khiến bệnh nhân tàn phế.
Theo các nghiên cứu, tỉ lệ mắc u tế bào khổng lồ chiếm 5-10% trong các u xương nguyên phát, chiếm 20% u xương lành tính. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhân đều trong độ tuổi lao động, từ 30-40 tuổi, trong đó tỉ lệ mắc ở nữ cao gấp gần 1,5 lần nam giới.
U tế bào khổng lồ có nguy cơ tái phát rất cao, từ 10-50%, do sang chấn, dị dạng mạch máu, tụ máu trong xương gây biến đổi bạch cầu thành đại thực bào “ăn xương”.
Cơ hội mới cho nhiều bệnh nhân
TS Tùng nhấn mạnh, đến nay việc điều trị u tế bào khổng lồ gặp rất nhiều khó khăn do u thường gây tiêu hủy xương và sụn trên diện rộng, không còn điểm tựa để thay khớp. Rất nhiều bệnh nhân buộc phải cắt cụt chân vì đến muộn hoặc u “ăn” ở vị trí không thể can thiệp được gì.
Ghép xương tự thân luôn là phương án tối ưu nhất nhưng nguồn này chỉ cung cấp được lượng xương rất ít, khoảng vài chục gram nên chỉ thích hợp ghép cho những bệnh nhân phát hiện bệnh rất sớm, khối u nhỏ.
Trong khi đó tỉ lệ khối u tái phát sau mổ rất cao, nếu u “gặm” quá nhiều xương, bệnh nhân phải chấp nhận cắt cụt chân hoặc phải mổ để thay khớp gối đặc biệt với chi phí từ 200-300 triệu đồng tuỳ thuộc độ ăn mòn của khối u.
Tuy nhiên tuổi thọ khớp sau thay cũng chỉ được 10-15 năm và vẫn có nguy cơ khối u tái phát, “ăn” tiếp phần nền của khớp gối dẫn đến cuộc mổ thất bại mặc dù chi phí rất lớn.
“Rất nhiều trường hợp không thể chờ đợi đã bay sang nước ngoài để ghép khớp gối với chi phí đến hơn một tỉ đồng nhưng thất bại, buộc phải cắt cụt chi”, TS Tùng thông tin.
Do đó, phương án ghép xương cầu lồi từ người cho chết não là giải pháp bền vững nhất, với nhiều giai đoạn điều trị: Lấy u rộng rãi, ghép xương khối lớn hoặc ghép xương kèm sụn vừa rẻ vừa an toàn, bệnh nhân sau mổ không phải dùng thuốc chống thải ghép.
Tuy nhiên hiện nay nguồn hiến gân xương từ người cho chết não rất khan hiếm, trong hơn 3 năm mới có 8 bệnh nhân được ghép, số còn lại đang vẫn phải chờ đợi hoặc lựa chọn các giải pháp thay thế tạm thời.
Với trường hợp bệnh nhân Hằng, may mắn nhận được nguồn hiến khối lồi cầu ngoài từ một bệnh nhân chết não. Sau đó bác sĩ đã ghép xương, ghép lồi cầu xương đùi cho bệnh nhân.
TS Tùng cho biết, chị Hằng thực hiện ca ghép vào năm 2016, giai đoạn đầu phần xương chỉ sống được 70-80%, phần sụn có dấu hiệu teo đi. Nhưng do sự kiên trì theo dõi điều trị của BS và sự kiên trì của bệnh nhân, sau mổ một năm, bệnh nhân bắt đầu đi dạy được trở lại.
Đến nay, sau 5 năm mổ lấy u và hơn 3 năm ghép xương, xương ghép đã liền được 90%, sụn sống và phát triển lại được. Đặc biệt, khối u không tái phát.
Chị Hằng cũng là 1 trong 8 bệnh nhân may mắn nhận được nguồn xương từ người cho chết não trong suốt 3 năm qua. Kết quả, 7 bệnh nhân cho kết quả rất tốt sau ghép, bệnh không tái phát, đi lại được, 1 trường hợp còn lại bị tái phát.
“Nếu ghép xương đồng loại, khi liền tốt, bệnh nhân không cần thay khớp và chi phí chỉ mất 30 triệu đồng, được bảo hiểm y tế thanh toán một phần. Trường hợp sụn không sống được nhưng xương vẫn sống được thì coi như cũng cung cấp “nền” cho bệnh nhân để thay khớp gối thông thường chỉ mất 40-70 triệu đồng, thay vì phải thay khớp gối đặc biệt hàng trăm triệu.
Ngay cả thay khớp đặc biệt nhưng nếu u tái phát, xương tiếp tục bị tiêu hủy, không có giải pháp ghép xương đồng loại, thì không còn gì để cho bệnh nhân thay lại khớp vào các lần sau”, TS Tùng phân tích.
Theo TS Tùng, ghép xương cầu lồi là kĩ thuật khó vì liên quan cả hệ thống khớp, phải làm lại cả hệ thống dây chằng, tái tạo sụn... Khối lượng xương sụn ghép vào rất lớn, lại không có mạch máu nuôi dưỡng trực tiếp ngoài thẩm thấu dinh dưỡng từ máu nên phải tính toán sao cho phù hợp và lựa chọn khối cầu có kích cỡ phù hợp với từng bệnh nhân.
Toàn bộ khối xương và lồi cầu của người hiến sẽ được bảo quản ở môi trường lạnh sâu, được nuôi cấy đến 3 lần, chiếu xạ tia gamma, diệt hết vi khuẩn, virus trong thời gian từ 2-3 tháng.
Sau đó dùng máu từ tĩnh mạch bệnh nhân và tủy xương ngâm tẩm khối lồi cầu trước khi ghép với hy vọng huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc tập trung nhiều trong mảnh ghép, tăng khả năng đồng hóa mảnh ghép.
Sau ghép, bệnh nhân cần theo dõi trong vòng 3 năm vì đây là khoảng thời gian có nguy cơ tái phát cao nhất, trong đó 1-2 năm đầu cần uống thêm sản phẩm bổ xương, khớp.
Để phát hiện sớm u tế bào khổng lồ, TS Tùng khuyến cáo khi bệnh nhân thấy hơi đau trong xương, trong khớp gối, đau âm ỉ, đau tăng dần khi đi lại cần đến bệnh viện kiểm tra sớm, khi đó nếu phát hiện bệnh, chỉ cần lấy xương tự thân để ghép.
Bình luận