• Zalo

Nhiệt độ Nam Cực lần đầu tiên được ghi nhận trên 20 độ C

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 14/02/2020 11:25:52 +07:00Google News
(VTC News) -

Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ 20,75 độ C được ghi nhận tại đảo Seymour, Nam Cực là "đáng kinh ngạc và bất thường".

Lần đầu tiên, ở Nam Cực đã xuất hiện nền nhiệt lên đến 20 độ C. Điều này gây ra lo ngại về sự bất ổn của khí hậu ở kho băng lớn nhất thế giới.

20,75 độ C là mức nhiệt được ghi lại bởi các nhà khoa học Brazil tại đảo Seymour vào ngày 9/2, cao hơn gần 1 độ so với mức kỷ lục 19,8 độ C được ghi lại trên đảo Signy vào tháng 1/1982.

Một kỷ lục nhiệt độ gần đây cũng xảy ra: vào ngày 6/2, trạm nghiên cứu của Argentina tại Esperanza đo được 18,3 độ C, mức cao nhất trên bán đảo lục địa Nam Cực.

Nhiệt độ Nam Cực lần đầu tiên được ghi nhận trên 20 độ C  - 1

(Ảnh minh họa: Eco News)

Những hồ sơ này sẽ cần được xác nhận bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới, nhưng chúng ăn khớp với một xu hướng đang xảy ra trên bán đảo và các đảo lân cận, là ấm lên gần như 3 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp - một trong những tốc độ nhanh nhất trên hành tinh.

Các nhà khoa học mô tả kỷ lục mới này là "đáng kinh ngạc và bất thường".

Carlos Schaefer, người làm việc tại Terrantar, một dự án của chính phủ Brazil theo dõi tác động của biến đổi khí hậu đối với băng vĩnh cửu và sinh học tại 23 địa điểm ở Nam Cực, cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến xu hướng ấm lên tại nhiều địa điểm mình quan sát, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này".

Schaefer cho biết nhiệt độ của bán đảo, quần đảo Nam Shetland và quần đảo James Ross, đã thất thường trong 20 năm qua. Sau khi mất đi trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, nó đã ấm lên nhanh chóng.

Các nhà khoa học thuộc chương trình Nam Cực của Brazil cho biết điều này dường như bị ảnh hưởng bởi sự dịch chuyển của dòng hải lưu và El Niño: "Chúng ta có những thay đổi khí hậu trong khí quyển, liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi của băng vĩnh cửu và đại dương. Tất cả những điều này rất liên quan đến nhau."

Các tác động khác nhau xảy ra trên khắp Nam Cực, bao gồm vùng đất, đảo và đại dương phía Nam vĩ độ 60. Khu vực này lưu trữ khoảng 70% nước ngọt trên thế giới dưới dạng tuyết và băng. Nếu tất cả tan chảy, mực nước biển sẽ tăng từ 50 đến 60 mét, nhưng điều đó sẽ mất nhiều thế hệ.

Các nhà khoa học của Liên Hợp Quốc dự đoán các đại dương sẽ cao hơn từ 30cm đến 110cm vào cuối thế kỷ này, tùy thuộc vào nỗ lực của con người nhằm giảm khí thải và độ nhạy của các tảng băng.

Phương Anh(Nguồn: The Guardian)
Bình luận