Theo AP, các quan chức Nhật bản tỏ ra lo ngại về việc nước này sẽ nằm trong tầm ngắm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Mặc dù kịch bản Triều Tiên tấn công bằng tên lửa khó có khả năng xảy ra song các quan chức Nhật Bản vẫn rất lo ngại về việc liệu Triều Tiên có quyết định sử dụng con bài hạt nhân hay không.
Lý do là Triều Tiên không chỉ có tiềm lực mà còn có nhiều động thái sẽ tấn công vào Tokyo hoặc các căn cứ quân sự chính của Mỹ ở Nhật Bản.
Ngày 8/4, trong một báo cáo về việc Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa hoặc tiếp tục thử hạt nhân, các quan chức Nhật Bản nói rằng họ đã có các biện pháp bảo đảm an toàn của đất nước.
Hệ thống phòng không PAC-3 của Nhật Bản |
Mặc dù phát ngôn viên Nội các Yoshihide Suga và các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng từ chối xác nhận thông tin các đơn vị hải quân đã được đặt trong tình trạng báo động và nói rằng họ không muốn "ngửa bài" với Triều Tiên, song ông Yoshihide nói: "Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo đất nước an toàn tuyệt đối."
Trong khi đó, Triều Tiên tiếp tục đe dọa Nhật Bản. Bài xã luận đăng trên tờ Rodong - cơ quan ngôn luận của Đảng cầm quyền Triều Tiên - ngày 8/4 có đoạn viết: "Một lần nữa chúng tôi cảnh báo việc Nhật Bản mù quáng đi theo chính sách của Mỹ. Nhật Bản sẽ phải trả giá đắt cho cách hành xử thiếu thận trọng này."
Sau vụ thử hạt nhân hồi tháng Hai của Triều Tiên, các chuyên gia Nhật Bản ngày càng lo ngại nguy cơ Triều Tiên dùng tên lửa tầm trung Rodong mang đầu đạn hạt nhân tấn công nước này hoặc ít nhất thì cũng nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ và các trung tâm tập trung đông dân cư.
Binh lính Triều Tiên tập trận hôm 20/3 - Ảnh: KCNA |
Narushige Michishita - một cựu quan chức quốc phòng và là Giám đốc chương trình Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở Tokyo - nhận định kể từ sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, "mức độ đe dọa tăng vọt."
Không giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang được nước này sản xuất (còn gọi là chương trình ICBM), khoảng 300 tên lửa Rodong được triển khai đã qua thử nghiệm và loại tên lửa này có tầm bắn khoảng 1.300km.
Với tầm bắn như vậy, các tên lửa này hoàn toàn có thể vươn tới Tokyo và các căn cứ quân sự trọng yếu của Mỹ, kể cả Căn cứ Không quân Yokota - trụ sở của Lực lượng Không quân số 5, căn cứ Hải quân Yokosuka - nơi mà tàu sân bay USS George Washington và các tàu hộ tống đang neo đậu, Căn cứ Không quân Misawa - địa điểm cất cánh quan trọng của máy bay chiến đấu F16 của Mỹ.
Trong một báo cáo phân tích ấn hành cuối năm 2012, Michishita nói rằng tên lửa Rodong được bắn từ Triều Tiên có thể bay tới Nhật Bản trong vòng từ 5 tới 10 phút và nếu nhằm vào trung tâm Tokyo, thì 50% khả năng là sẽ rơi xuống một địa điểm nào đó nằm trong khu vực thuộc hệ thống tàu điện ngầm chính của thủ đô.
Nhà nghiên cứu này nói rằng Nhật Bản có thể là mục tiêu hấp dẫn đặc biệt vì nằm trong tầm bắn của tên lửa thông thường hoặc tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, đe dọa nhằm vào Nhật Bản có thể được sử dụng để lèo lái quan hệ giữa Tokyo và Washington.
Ví dụ, Triều Tiên có thể khai hỏa một hoặc nhiều tên lửa Rodong hướng vào Tokyo - nhưng chúng sẽ rơi ngay sau khi bay một đoạn ngắn - nhằm đe dọa, buộc lãnh đạo Nhật Bản phải nhượng bộ, đứng ngoài cuộc xung đột trên bán đảo hoặc để phản đối việc lực lượng Mỹ ở Nhật Bản hỗ trợ cho Hàn Quốc, khiến Nhật Bản phải nơm nớp lo sợ bị tấn công.
Michishita viết: "Xem xét sự phiêu lưu của Triều Tiên trong quá khứ, có thể thấy kịch bản này là một sự lựa chọn sáng suốt của nước này." So với Hàn Quốc, Nhật Bản là một mục tiêu "tốt" hơn vì nếu tấn công quá gần bằng vũ khí hạt nhân có thể gây ảnh hưởng lên chính người dân của mình.
Sau khi Triều Tiên bắn tên lửa tầm xa Taepodong vào Nhật Bản năm 1998, Tokyo và Washington đã đầu tư hàng tỉ đô la vào lá chắn tên lửa đạn đạo được coi là phức tạp nhất thế giới.
Hiện nay, Nhật Bản đã có hệ thống đánh chặn trên biển và trên đất liền riêng và đã đưa vào sử dụng các vệ tinh gián điệp sau "sự cố Taepodong" nhằm theo dõi hoạt động quân sự bên trong lãnh thổ Triều Tiên.
Tháng 4/2005, Lowell Jacoby - Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, phát biểu tại Ủy ban Quân lực Thượng viện rằng Triều Tiên có thể có một tên lửa hạt nhân.
Năm 2011, cơ quan tình báo này cho rằng Triều Tiên "hiện có thể có" đầu đạn hạt nhân dùng plutoni, loại đầu đạn này có thể sử dụng cho tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu hoặc "các phương tiện khác." Sau đó, Lầu Năm Góc cho rằng không rõ Triều Tiên có thể sản xuất đầu đạn hạt nhân nhỏ ở mức nào.
Tuy nhiên, David Albright - một nhà vật lý thuộc Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế - viết trong một thư điện tử rằng ông tin là Triều Tiên có khả năng trang bị cho tên lửa Rodong đầu đạn hạt nhân nặng khoảng vài trăm kg và năng lượng phát ra là khoảng vài kiloton.
Sức công phá của loại tên lửa này thấp hơn nhiều so với hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nhưng đủ lớn để gây thương vong đáng kể trong thành phố.
Theo Vietnam+
Bình luận