TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) là khách mời quen thuộc trên các trang báo, các chương trình truyền hình về cách nuôi dạy con cái. Đặc biệt, những bài viết về cách giáo dục trẻ trong gia đình của chị Hương đã được các cha mẹ đón nhận và chia sẻ.
TS Vũ Thu Hương |
TS Hương chia sẻ quan điểm về vấn đề “Nghĩ xa và nghĩ gần” qua những ví dụ rất cụ thể.
Sau đây là những chia sẻ của TS Vũ Thu Hương khiến nhiều bạn trẻ và các phụ huynh cũng phải giật mình để xem lại bản thân.
Hôi của và cái giá của nhân cách
Ngày xưa, mỗi khi các cụ làm gì đều lo lắng xa xôi lắm. Nhưng ngày nay, hình như chúng ta đang nghĩ quá gần thì phải.
Cách đây không lâu, tôi có chứng kiến một cảnh hôi của. Một nữ sinh viên của tôi bị rơi 100.000 đồng ra đường. Vì vậy, hai cô trò vất vả chạy theo tờ 100.000 đồng nhưng xe đông và gió mạnh nên không thể nhặt lại được.
Lúc đó, có một đôi thanh niên ngồi trên một chiếc xe tay ga đẹp hớn hở dừng lại tóm tờ 100.000 đồng đầy vẻ vui tươi và hí hửng.
Sau khi cặp đôi này cầm được tờ 100.000 nghìn đồng, mặc dù xung quanh dân làng la lớn và chỉ thẳng vào 2 cô trò đang te tái đằng sau chờ xin lại tiền đánh rơi nhưng họ vẫn rồ ga phóng đi và cười hớn hở.
Giới trẻ cần có những hành vi ứng xử có văn hóa hơn khi nhặt được tiền đánh rơi |
Hai cô trò thở dài rồi lên xe đi tiếp. Mất 100.000 nghìn đồng, cô sinh viên của tôi chỉ nói nhỏ:
- Thôi, em cứ coi như nó là tiền xui, em bỏ rơi để vận xui nó đi khỏi em.
Tôi thở dài tiếp lời: Ừ, cứ coi như của đi thay người.
Số tiền 100.000 đồng không phải là lớn. Vì thế, có xót thì cũng chỉ xót có vài chục phút và sau đó chúng tôi nguôi ngoai. Nhưng mà hai bạn trẻ kia mất đi cái lớn hơn chính là nhân cách.
Đã lâu lắm rồi, việc dạy trẻ: "Nhặt được của rơi, trả người đánh mất" đã không được chúng ta coi trọng và tiến hành thường xuyên.
Hành vi "nhặt được của rơi vui tươi bỏ túi" của một số người đã làm đạo đức ngày một xuống cấp.
Đầu độc người khác vì lợi nhuận
Hiện nay, nhiều người đang đầu độc người khác bằng lợi nhuận của chính mình. Xã hội lên án nhưng họ vẫn bất chấp.
Hàng trăm, hàng ngàn những hành vi đầu độc người khác bằng hoa quả, sữa, đồ ăn bẩn, bằng hóa chất, bằng thuốc rởm, bằng giáo dục rởm... đã và đang đầu độc toàn thể nhân dân Việt Nam.
Lòng tin không còn. Và ở bất kể đâu, chúng ta cũng không còn tin nhau nữa. Đúng thôi, tin làm sao khi ở đâu cũng có những câu chuyện cực xấu. Tin làm sao khi chính chúng ta cũng đang bị đầu độc. Và lũ trẻ chính là nạn nhân của việc đầu độc đó. Lũ trẻ đang bị hoang mang.
Hành vi đó làm sao mà xấu được khi chính cha mẹ chúng đang làm? Hành vi đó làm sao mà sai khi người lớn làm và vô cùng vui sướng với thành quả của nó.
Hậu quả của việc hớn hở tìm kiếm lợi ích ngắn hạn đó của người Việt Nam chính là sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức giới trẻ.
Dũng cảm lên các cha mẹ, hãy dũng cảm loại trừ hành vi xấu. Vì các con của chúng ta sẽ trực tiếp học hành vi đó và sẽ áp dụng rất nhanh. Đạo đức của chính con cái chúng ta sẽ do chúng ta thẳng tay băng hoại. Vì thế, thật sự rất mong các quý vị nghĩ lại.
Nghĩ gần sẽ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ, hãy nghĩ xa hơn.
Mới ra trường từ chối làm việc nhỏ
Các bạn trẻ vừa ra trường luôn lo lắng là cơ quan đó sẽ cho mình đồng lương là bao nhiêu nhưng thản nhiên từ chối những công việc nho nhỏ mà họ giao cho chúng ta. Tôi ví dụ: rót nước pha trà, đi liên hệ, giao dịch, đi làm các việc lặt vặt...
Các bạn cho rằng cần phải bảo vệ bản thân bằng cách khẳng định tôi chỉ làm việc này việc kia mà quên mất rằng các bạn sẽ không có kinh nghiệm trong những công việc lặt vặt mà người ta giao cho các bạn.
Từ đó, khả năng bao quát công việc của các bạn kém. Dù các bạn có bỏ cơ quan đó để xin vào cơ quan khác làm thì cuối cùng khả năng làm việc của các bạn cũng sẽ kém hơn người khác rất nhiều.
Bởi vì, một vị trí bất kì ở cơ quan không phải chỉ có những công việc rõ ràng và đếm được, nó sẽ còn đòi hỏi sự bao quát và đảm nhận của chúng ta ở vô khối những trách nhiệm nho nhỏ khác.
Và người đã động chân tay vào tất cả mọi việc sẽ có nhiều kinh nghiệm để sau này quản lý công việc tốt hơn và chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội nâng cao chuyên môn, thăng tiến trong công việc.
Một lần nữa, nghĩ gần sẽ gây hại cho chính các bạn trẻ ở một “tương lai xa hơn hiện tại độ một gang tay”.
Nghĩ xa hơn đi , nếu nghĩ xa hơn, hãy điều chỉnh hành vi của chính mình, thay đổi cách cư xử với con cái mình và những người thân thiết. Và tương lai sẽ trả công cho chúng ta.
TS Vũ Thu Hương
Bình luận