Hãng tin Nhật đưa tin Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản, ông Toshinitsu Motegi đang có mặt ở Hà Nội và đã gặp người đồng nhiệm Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh để thảo luận liên quan đến TPP-11 (hay còn được gọi là CPTPP).
Hiệp định mới được thống nhất sau khi Mỹ rút lui khỏi TPP, và có tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tờ báo Nhật cho biết các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại CPTPP là vấn đề được tập trung thảo luận.
Đầu tháng 1, ông Motegi sẽ tới Mexico cũng để thảo luận nội dung này. Đây là một trong các vấn đề còn khác biệt lớn giữa các nước thành viên.
Cuối tháng 1, các trưởng đoàn đàm phán TPP của 11 nước thành viên sẽ gặp nhau ở Nhật Bản, để chốt các vấn đề cụ thể của hiệp định. Sau đó, hiệp định sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng, và sẽ được rà soát tính pháp lý ở từng quốc gia.
Theo Nikkei, Tokyo kỳ vọng các bên có thể ký thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng hai hoặc đầu tháng ba năm 2018. Sau đó, hiệp định sẽ chuyển qua giai đoạn phê chuẩn bởi các quốc gia thành viên.
Mục tiêu của phía Nhật là có thể phê chuẩn hiệp định ngay tại phiên họp Quốc hội đầu năm, bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc vào tháng 6. Muốn vậy, hiệp định phải được ký vào đầu tháng 3, Nikkei dẫn nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết.
Video: Bộ trưởng Công thương nói về tương lai TPP sau khi Mỹ rút khỏi
Tại kỳ họp mùa Thu của Quốc hội Nhật, nước này muốn phê chuẩn hiệp định đối tác kinh tế với EU. Vì thế, nếu không thông qua được TPP-11 như kế hoạch, chính quyền của ông Abe có thể gặp khó trong việc thông qua 2 hiệp định thương mại lớn cùng một thời điểm.
Chile cũng muốn ký hiệp định sớm nhất có thể, trước khi người kế nhiệm của Tổng thổng Michelle Bachelet lên nắm quyền vào 11/3. Nước này cũng sẵn sàng là địa điểm tổ chức lễ ký.
Theo thỏa thuận đạt được bên lề Hội nghị APEC, hiệp định TPP-11 sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn.
Bình luận