"Nhật Bản là quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ đánh bom nguyên tử trong chiến tranh, sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một thế giới không có hạt nhân", Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu tại một buổi lễ ở Hiroshima.
“Con đường hướng tới điều đó ngày càng khó khăn vì sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế về giải trừ hạt nhân và mối đe dọa hạt nhân của Nga”, ông Fumio Kishida cho biết thêm.
Theo Thủ tướng Nhật Bản, trước bối cảnh đó, điều quan trọng hơn cả "khôi phục động lực quốc tế hướng tới việc hiện thực hóa một thế giới không có hạt nhân. Những hậu quả do vũ khí hạt nhân gây ra cho Hiroshima và Nagasaki không bao giờ được phép lặp lại".
Những bình luận của Kishida lặp lại những bình luận của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi nói rằng "một số quốc gia đang liều lĩnh vung lại thanh kiếm hạt nhân, đe dọa sử dụng những công cụ hủy diệt này".
"Trước những mối đe dọa như vậy, cộng đồng quốc tế phải cùng nhau lên tiếng. Mọi hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân đều không thể chấp nhận được", ông Antonio Guterres cho hay.
Khoảng 140.000 người chết ở Hiroshima vào ngày 6/8/1945 và 74.000 người ở Nagasaki 3 ngày sau đó, khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản vài ngày trước khi Thế chiến II kết thúc.
Tại buổi lễ kỷ niệm ở Hiroshima, hàng nghìn người đã cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ đánh bom và kêu gọi duy trì hòa bình thế giới.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhiều lần cảnh báo về việc Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Mới đây, ông nói Nga sẽ buộc phải dùng tới vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch phản công của Ukraine thành công.
Cuối tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký quyết định đình chỉ tham gia New START. Đây là thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington. Nga khẳng định sẽ không tham gia New START tới khi nào Mỹ lắng nghe lập trường của Moskva.
Bình luận