• Zalo

Nhật Bản khó đảm bảo nguồn cung năng lượng ngay lập tức nếu thiếu dầu từ Nga

Thời sự quốc tếThứ Năm, 05/05/2022 16:03:01 +07:00Google News
(VTC News) -

Hôm 4/5, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda nói nước này khó hưởng ứng lời kêu gọi của EU về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington hôm 4/5, Bộ trưởng Koichi Hagiuda nói rằng "Nhật Bản có nguồn lực hạn chế và chúng tôi khó có thể tự đảm bảo nguồn cung cho chính mình ngay lập tức".

Nhận định của ông được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay.

Nhật Bản khó đảm bảo nguồn cung năng lượng ngay lập tức nếu thiếu dầu từ Nga - 1

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda. (Ảnh: Kyodo News)

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm, ông Koichi Hagiuda và người đồng cấp đã chia sẻ "tầm quan trọng của việc duy trì an ninh năng lượng" trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Trao đổi với phía Mỹ, ông Koichi Hagiuda cho biết, mỗi quốc gia có bối cảnh tình hình an ninh năng lượng khác nhau, nhấn mạnh lập trường của các nước trong vấn đề này là quan trọng.

Theo ông Koichi Hagiuda, để giảm sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản đã đề nghị Mỹ tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đồng thời cho biết Tokyo đang xem xét cung cấp các khoản vay cho các công ty Nhật Bản tham gia vào các dự án khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) của Mỹ.

Theo số liệu của cơ quan ngoại thương Nhật Bản, Nga chiếm 3,6% nhập khẩu dầu thô và 8,8% nhập khẩu LNG vào năm 2021 của nước này.

Cũng trong cuộc gặp với đối tác Mỹ, phía Nhật Bản cũng bày tỏ ý định hợp tác trong việc hiện thực hóa không phát thải carbon, đẩy mạnh các giải pháp năng lượng sạch tiên tiến trong các lĩnh vực, trong đó có điện gió ngoài khơi, hydro và năng lượng hạt nhân.

Hai bên cũng nhất trí hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm công nghiệp quốc phòng và chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản cũng nhất trí hướng tới việc sớm khởi động Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sáng kiến ​​gắn kết khu vực mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy trong bối cảnh nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

Kông Anh(Nguồn: kyodo News)
Bình luận
vtcnews.vn