Nhập siêu từ Trung Quốc đang dấy lên nhiều lo ngại về việc phụ thuộc vào thị trường lớn này.
Tìm hiểu thực tế vấn đề này ở một số cửa khẩu, chúng tôi thấy rằng để thu hẹp khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc, Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
Trong bức tranh nhập siêu của Việt Nam hiện nay, Trung Quốc nổi lên như một nguồn nhập siêu chủ yếu dù từng có thời kì Việt Nam xuất siêu sang thị trường rộng lớn này.
Trong năm 2013, trong khi cả nước phấn khởi với thông tin xuất siêu nhẹ (9 triệu USD), thì nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD trong khi đó nhập khẩu từ quốc gia này ước tính đạt 36,8 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD.Công chức Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) kiểm tra hàng thanh long xuất khẩu. Ảnh: L.BẰNG
Để phần nào lý giải cho tình trạng nhập siêu với Trung Quốc trên, chúng tôi đã khảo sát tình hình xuất nhập khẩu ở một số cửa khẩu của Lạng Sơn.
Đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vào một buổi chiều cuối tháng 5, chúng tôi nhận thấy những xe hàng nhập khẩu chờ làm thủ tục đỗ chật kín các bãi đỗ xe. Đối diện với tòa nhà làm thủ tục hải quan, hàng loạt ô tô tải nguyên chiếc đang xếp hàng dài làm thủ tục thông quan chờ về xuôi.
Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Hữu Nghị là tinh bột sắn, một số hàng nông sản, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Do đặc thù hàng xuất khẩu rất ít nên kim ngạch nhập khẩu thường xuyên nhiều hơn xuất khẩu.
Cụ thể từ 1/1/2014 đến 15/5-/014, tổng số tờ khai xuất khẩu là trên 3.000 bộ, kim ngạch 150 triệu USD. Trong khi đó hàng NK có trên 6.000 bộ tờ khai với kim ngạch nhập khẩu là trên 382 triệu USD. Hàng nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị chủ yếu là những mặt hàng có giá trị lớn như máy móc, thiết bị, linh kiện, dây chuyền đồng bộ, ô tô tải nguyên chiếc, phân bón, hóa chất (khác với cửa khẩu Tân Thanh chuyên về nhập khẩu hoa quả).
Tiếp tục tìm đến cửa khẩu Tân Thanh để nắm bắt cán cân thương mại ở khu vực này, chúng tôi có được một thông tin thú vị. Đó là trái ngược với tình trạng nhập siêu ở Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh lại xuất siêu, tức kim ngạch xuất khẩu lớn hơn kim ngạch nhập khẩu.
Ông Chu Bá Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh chia sẻ: Các năm trước hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh thường trong trạng thái nhập siêu. Nhưng từ năm 2012 đến nay, hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh lại xuất siêu. Đặc biệt rõ nhất là năm 2012. Bởi vì khi đó tỉnh Lạng Sơn có chủ trương mở một số cửa khẩu phụ như Nà Hình, Nà Nưa, Bình Nghi... chủ yếu phục vụ hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt sắn lát, tinh bột sắn.
Trước đây các lối mở này cũng có hàng hóa xuất khẩu nhưng chỉ có Biên phòng quản lý, không làm nhiệm vụ thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu mà chỉ quản lý hàng hóa có vi phạm hay không. Khi có lực lượng Hải quan, chúng tôi đã nắm được hết số lượng hàng hóa qua các lối mở.
Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2014, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt trên 219 triệu USD, tăng 31% so với cùng kì năm 2013; kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 41 triệu USD, giảm 26% so với cùng kì 2013.Ô tô tải nguyên chiếc tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn)
Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu việc xuất khẩu nông sản ở Tân Thanh, chúng tôi thấy còn những điều chưa thể vui mừng. Bởi lẽ theo lời lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, tỷ lệ hàng nông sản xuất khẩu qua chế biến rất khiêm tốn. Hàng xuất khẩu qua chế biến chủ yếu là tinh bột sắn, còn lại hầu hết các mặt hàng hoa quả xuất khẩu thường bán trực tiếp như dưa hấu, thanh long, chuối..., vì thế giá trị gia tăng không cao.
“Năm nay tình hình xuất khẩu dưa hấu tăng đột biến nhưng trị giá thấp. Chúng tôi chưa thống kê rõ tỉ lệ kim ngạch nhưng hết quý I lượng xuất khẩu dưa hấu tăng đột biến song trị giá không lớn” – ông Toàn cho biết.
Bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã trao đổi với báo chí về việc giảm lệ thuộc kinh tế nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, để giảm nhập siêu của Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài quá nhiều, cũng như nhập khẩu từ Trung Quốc quá lớn, hiện nay quan trọng vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế. Nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm tới hơn 30% nhưng đồng thời nhập từ Trung Quốc nhiều máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất như dệt may, da giày… Chúng ta còn nhập khẩucả những mặt hàng mà trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất được.
Vì vậy, phải nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng ta hoàn toàn có thể chủ động được, không nhất thiết phải nhập những mặt hàng đơn giản như tăm tre, đũa… Việc nhập khẩu cho nguyên liệu sản xuất cũng cần cân nhắc, nghiên cứu để đa dạng hóa thị trường.
Một điểm quan trọng cần thay đổi là hàng công nghiệp phụ trợ của chúng ta hiện nay kém. Chúng ta sản xuất những mặt hàng mang tính gia công, lắp ghép, nên cứ nhập nguyên liệu, phụ liệu nước ngoài về lắp ráp là hết sức nguy hiểm. Giá trị gia tăng thấp dễ dẫn đến nhập siêu.
Theo Báo Hải quan
Bình luận