• Zalo

Nhập khẩu vaccine: Doanh nghiệp kêu khó

Thị trườngThứ Hai, 21/06/2021 11:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các tập đoàn, doanh nghiệp đang gặp trở ngại không nhỏ trong việc nhập khẩu vaccine để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân.

Thời gian qua, việc tiếp cận và nhập khẩu vaccine phòng, chống virus COVID-19 của các doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân chủ yếu, lại xuất phát từ chính những bất cập và sự không nhất quán, sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan quản lý còn nhiều vướng mắc, khiến cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiếp cận vaccine phòng chống COVID – 19.

Tập đoàn, doanh nghiệp khó tiếp cận vaccine

Ngày 31/5/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký ban hành văn bản số 4433/BYT-QLD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc; các doanh nghiệp, tổ chức có nguồn cung vaccine phòng COVID-19, trong đó có nội dung, thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế đã có các công văn 406/QLD-KD ngày 27/01/2021- Văn bản số 1438/QLD-KD ngày 23/02/2021- Văn bản số 2511/QLD-KD ngày 22/03/2021 khuyến khích các Tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vaccine phòng COVID-19’.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 phục vụ nhu cầu cấp bách, Bộ Y tế đề nghị trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vaccine, các đơn vị lưu ý: Với các vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Nhập khẩu vaccine: Doanh nghiệp kêu khó - 1

Doanh nghiệp muốn nhập khẩu vaccine gặp khó. (Ảnh minh họa)

Với các vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Mặc dù đã được Bộ y tế ban hành văn bản với nội dung rất rõ ràng, minh bạch tại văn bản số 4433/BYT-QLD, tuy nhiên có lãnh đạo BYT lại có những quan điểm khác với nội dung số 4433/BYT-QLD.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã ghi nhận hàng chục đơn vị xin nhập khẩu các loại vaccine như Moderna, Pfizer..., cung cấp giấy tờ khẳng định đã tiếp cận được vaccine, nêu cụ thể số lượng có thể nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế kiểm tra đối chiếu, xác minh thông tin từ các hãng vaccine thì tất cả đều là giấy tờ "rởm".

Riêng vaccine Moderna, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sau khi xác minh thì được biết tháng 5/2021, hãng Moderna chỉ duy nhất cho phép Zuellig Pharma (TP.HCM) phân phối 5 triệu liều.

"Tôi xin nhấn mạnh là chỉ là phân phối, không phải là bán. Nghĩa là họ có thể bán cho một đơn vị nào đó rồi Zuellig Pharma sẽ bảo quản và phân phối. Vậy mà các giấy tờ đề nghị cấp phép nhập khẩu vaccine của một số đơn vị còn khẳng định nhập khẩu được 20 triệu liều, 40 triệu liều... Vậy, họ lấy đâu ra vaccine để nhập khẩu vào Việt Nam?”, ông Cường nói.

Theo quy định tại Khoản 10, Điều 91, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược: “Các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính cơ sở sản xuất tại Việt Nam".

Theo nội dung quy định trên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ có quyền nhập khẩu nhưng không thực hiện quyền phân phối thuốc nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam. Vậy, Juellig Pharma đang căn cứ vào văn bản quy định của pháp luật nào để phân phối 5 triệu liều Vaccin Moderna tại Việt Nam.

Cần "bà đỡ" để mua vaccine

Cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế là việc các doanh nghiệp khẩn trương tìm kiếm, tiếp cận và xin phép nhập khẩu vaccine, bên cạnh nỗ lực của từng đơn vị, thì xuất phát điểm, chính là từ chủ trương của Bộ chính trị, chỉ đạo của Chính Phủ khuyến khích các Tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vaccine phòng COVID-19. Việc thẩm định, xem xét, hướng dẫn các đơn vị trong hoạt động này thuộc về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Y tế.

Trường hợp giấy tờ, quy trình của các đơn vị có bất cập hoặc gặp khó khăn, Bộ Y tế phải là cơ quan quản lí nhà nước đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, thậm chí là giữ vai trò đầu mối, hỗ trợ với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, tạo điều kiện cho các giao dịch với các quốc gia trên thế giới được hợp pháp, nhanh chóng thúc đẩy, hoàn thiện các thủ tục để đưa vaccine phòng chống COVID-19 về phục vụ nhân dân trong thời gian sớm nhất có thể.

Nhập khẩu vaccine: Doanh nghiệp kêu khó - 2

Nội dung văn bản số 4433/BYT-QLD về tăng cường tiếp cận vaccine phòng COVID-19

Những trả lời của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường có thể dẫn tới cách hiểu rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các Tập đoàn, Doanh nghiệp trong nước đang chạy đua tiếp cận và tìm cách thực hiện các giao dịch mua bán vaccine, tạo điều kiện cho các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt có nguy cơ gia tăng. Những nhận định thể hiện vai trò “cảnh báo”có thể tác động tiêu cực tới nỗ lực của các đơn vị trong việc nhập khẩu vaccine vốn đã rất khó khăn như hiện nay, dẫn đến sự ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình nhanh chóng đưa vaccine về phục vụ người dân.

Hiện tại điều quan trọng và cần thiết hơn cả là, cần có sự nhất quán trong định hướng lãnh đạo của Cơ quan quản lý nhà nướcở Trung Ương được pháp luật giao những quyền hạn nhất định để thực hiện chức năng thay mặt nhà nước điều hành xã hội trên phạm vi ngành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thẩm quyền do luật định; hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lí và hơn hết thực hiện các hoạt động thiết thực, cụ thể, trong việc động viên tinh thần, phối hợp và chịu trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức trong xã hội, đặc biệt đối với hoạt động tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng chống COVID-19 về Việt Nam.

Nhu cầu được tiêm chủng sớm là chính đáng, vì thế cần huy động thêm những nguồn lực từ doanh nghiệp để nhập khẩu vaccine sớm hơn, và có chính sách điều hành, giám sát chất lượng vaccine để tránh tình trạng nhiều nơi nhập khẩu dẫn đến khủng hoảng thừa. Tức là sẽ có "trần" hạn ngạch vaccine cho doanh nghiệp, bên cạnh nguồn vaccine Bộ Y tế và Chính phủ đàm phán, đảm bảo vừa sớm có vaccine vừa tránh được thừa ế.

Rõ ràng, những yêu cầu hết sức khắt khe cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn nhập khẩu vaccine. Và để quá trình nhập khẩu vaccine diễn ra thông suốt, doanh nghiệp đang rất cần những động thái tích cực hơn từ Bộ Y tế.

HÙNG SƠN
Bình luận
vtcnews.vn