• Zalo

Nhân viên y tế Mỹ không muốn tiêm vaccine COVID-19

Thời sự quốc tếThứ Năm, 03/12/2020 16:04:25 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều nhân viên y tế tại Mỹ chưa sẵn sàng tiêm vaccine mà nước này chuẩn bị chấp thuận tiêm chủng diện rộng, nghi ngờ tính hiệu quả của các loại vaccine này.

Nhân viên y tế được cho là đối tượng ưu tiên trong tiêm chủng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, song nhiều người trong số họ nghi ngờ tính hiệu quả của loại vaccine được phát triển trong thời gian ngắn kỷ lục.

Một số nhân viên y tế muốn có thêm thời gian để kiểm chứng, bất chấp sự đảm bảo từ các chuyên gia. Các chuyên gia cho biết, họ hoàn toàn tin tưởng vào quy trình kiểm tra vaccine do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thực hiện.

"Tôi nghĩ rằng, tôi sẽ tiêm vaccine sau, còn hiện tại thì chưa", y tá Yolanda Dodson, 55 tuổi, nói với AFP. Dodson làm việc tại Bệnh viện Montefiore ở thành phố New York và đang từng ngày giúp đỡ người bệnh chống lại đại dịch COVID-19.

Nhân viên y tế Mỹ không muốn tiêm vaccine COVID-19 - 1

 Nhiều nhân viên y tế Mỹ chưa sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19, nghi ngờ về hiệu quả. (Ảnh: Reuters)

“Các nghiên cứu về vaccine cho đến nay dường như hứa hẹn nhưng tôi nghĩ rằng dữ liệu thử nghiệm về hiệu quả vaccine là chưa đủ. Chúng tôi phải biết ơn những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tham gia vào các nghiên cứu”, Dodson nói.

Trong khi đó, Diana Torres - y tá tại một bệnh viện ở Manhattan từng chứng kiến ​​một số đồng nghiệp của mình chết vì COVID-19. Cô nghi ngờ về việc vaccine được gấp rút phê duyệt dưới thời chính quyền Trump, cho rằng chính quyền Trump đã xử lý đại dịch giống như "một trò đùa".

“Đây là loại vaccine được phát triển trong vòng chưa đầy một năm và được phê duyệt dưới sự quản lý của chính quyền và các cơ quan chính phủ. Họ không có đủ thời gian và con người để nghiên cứu vaccine. Tôi sẽ xem mọi việc diễn ra thế nào", Diana Torres cho hay.

Dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng 2 loại vaccine - một do hãng dược phẩm Pfizer và đối tác BioNtech phát triển, còn lại do Moderna và Viện Y tế quốc gia Mỹ phát triển - có hiệu quả khoảng 95%.

Thông thường, FDA yêu cầu 6 tháng theo dõi các thử nghiệm, nhưng nếu không có phản ứng bất lợi nào xuất hiện trong 2 tháng đầu tiên thì hiếm khi thấy bất cứ điều gì trong 4 tháng tiếp theo.

Đã có 44.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine của Pfizer và 30.000 người tham gia thử nghiệm vaccine của Moderna. Dữ liệu hiệu quả thử nghiệm vaccine được các công ty và các chuyên gia phân tích, công bố không chịu áp lực chính trị.

Tiến sĩ Marcus Plescia, Giám đốc y tế của Hiệp hội các quan chức y tế bang và vùng lãnh thổ, cho biết tâm lý thận trọng như vậy là phổ biến đối với 20 triệu nhân viên y tế ở Mỹ - đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, với hơn 272.000 người chết.

“Có rất nhiều người cảm thấy chúng tôi chưa có đủ dữ liệu”, ông Plescia nói, cho rằng sự thận trọng này "có thể trở thành một vấn đề thực sự lớn", nhất là khi các bệnh viện sẽ không thể bắt buộc nhân viên của họ phải tiêm vaccine COVID-19.

Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết sẽ là nguy hiểm khi quá ít người, bao gồm cả nhân viên y tế, được tiêm chủng.

Theo kết quả thăm dò ý kiến ​​từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 của Gallup, chỉ 58% người Mỹ cho biết sẽ tiêm vaccine COVID-19 nếu vaccine này có sẵn ngay lập tức, tăng so với 50% vào tháng 9.

Kông Anh(Nguồn: Straits Times)
Bình luận
vtcnews.vn