• Zalo

Nhân viên sai, sếp Nhà nước phải từ chức?

Thời sựThứ Ba, 10/12/2013 07:28:00 +07:00Google News

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, người lãnh đạo có thể làm đơn xin từ chức nếu “có vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý dù không do bản thân họ gây ra”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, người lãnh đạo có thể làm đơn xin từ chức nếu “có vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý dù không do bản thân họ gây ra”.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 9/12, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, theo dự thảo quy chế bổ nhiệm, từ chức, miễn nhiệm đang được Bộ Nội vụ soạn thảo, công chức, viên chức quản lý có thể từ chức trong 3 trường hợp.
Cụ thể, không đủ sức khỏe đảm đương chức trách nhiệm vụ đang giữ; năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Mặc dù không phải bản thân họ gây ra nhưng có vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý thì người lãnh đạo có thể làm đơn xin từ chức”.
Tại cuộc họp báo, có ý kiến băn khoăn thế nào là “năng lực không đáp ứng yêu cầu” hay có sự “nể nang”, tiêu chí không rõ ràng trong đánh giá cán bộ?
Thứ trưởng cho rằng, nguyên tắc người giao nhiệm vụ sẽ đánh giá người thực hiện, cấp trên đánh giá cấp dưới. Vì chỉ có người giao nhiệm vụ mới có đánh giá chính xác nhất anh A, chị B được giao nhiệm vụ làm như thế nào, có tốt hay không.
Cụ thể hơn, cấp trưởng đánh giá cấp phó và người thừa hành trong cơ quan; bản thân người cấp trưởng sẽ do cấp trên đánh giá.
 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (Ảnh: Tiền Phong)
Nói về tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, Thứ trưởng cho hay,  muốn biết có năng lực hay không, cần căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở chức trách và cương vị được giao. Ví dụ đánh giá người đứng đầu đơn vị, cần xem đơn vị đó có hoàn thành nhiệm vụ không, mất đoàn kết không, chất lượng công việc thế nào?...
Trả lời báo Lao Động, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho biết, trước đây, việc đánh giá từng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được tiến hành theo phương thức bỏ phiếu của tập thể cơ quan, đơn vị.
Vì thế, người nào làm việc bình thường, ít va chạm, được lòng mọi người trong cơ quan có khi lại là người được nhiều phiếu đánh giá tốt. Những người làm việc tốt, trách nhiệm nhưng hay “va chạm” thường không được nhiều phiếu đánh giá tốt.
“Việc bỏ phiếu đánh giá tưởng là khách quan, công bằng nhưng thực ra lại rất chủ quan, không gắn với trách nhiệm”, Thứ trưởng cho hay.
Trong hoạt động công vụ, thì cấp trên là người phân công, kiểm tra, đánh giá và biết rõ nhất việc thực hiện nhiệm vụ của từng người dưới quyền. Nhưng trước đây cấp trên chưa được giao thẩm quyền hoàn toàn trong quyết định đánh giá cấp dưới; việc bình xét đánh giá cán bộ còn phụ thuộc nhiều vào ý kiến tập thể.
Vì vậy, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đã quy định, thẩm quyền đánh giá thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Nghĩa là việc đánh giá thực hiện theo nguyên tắc: Cấp trên đánh giá cấp dưới; ai giao việc, thì người đó có thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá...

Theo khampha.vn
Bình luận
vtcnews.vn