• Zalo

Nhân viên ngân hàng mong tăng lương để... hết ế

Kinh tếThứ Năm, 02/01/2014 02:58:00 +07:00Google News

Gái ngân hàng cầu năm mới hết ế, trai xây dựng mong có thời gian về với vợ... là những mong muốn thú vị về công việc của những người lao động ở các ngành nghề.

Gái ngân hàng cầu năm mới hết ế, trai xây dựng mong có thời gian về với vợ... là những mong muốn thú vị về công việc của những người lao động ở các ngành nghề.

Gái ngân hàng cầu năm mới hết ế

"Chẳng phải có bài báo nói gái ngân hàng ế hay sao? Thế nên mong muốn của chị năm nay là rảnh rang công việc để đi hẹn hò gặp gỡ cho hết ế em ạ" - Đó chính là ước muốn nhân dịp đầu năm của Hà Thu (28 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội).

Cô nàng chân thành chia sẻ: "Năm 2013 chắc là năm chán nhất của chị từ khi vào làm ngành này. Báo chí cũng đưa tin suốt ngày nên chắc ai cũng biết. Công việc nặng nề, áp lực cao, các loại thưởng thì cứ thấp dần đều, năm nay là xuống tới đáy luôn. Thấy các nhà kinh tế cứ dự báo suốt là kinh tế sắp hồi phục, ngân hàng sắp khởi sắc mà tình hình thực tế vẫn ảm đạm lắm.

nhân viên ngân hàng
Hà Thu, một gái ngân hàng mong rằng năm nay công việc sẽ bớt bận rộn để có thời gian hẹn hò cho hết ế - (Ảnh internet chỉ mang tính minh họa) 
Người ta bảo đen bạc thì đỏ tình, chị thì vừa đen bạc vừa đen tình. Đi làm quần quật tối ngày , rồi cố học thêm cái bằng cao học để đề phòng sau này có cơ hội thăng chức thì còn dùng tới. Thế nên chẳng có thời gian để yêu đương. Chẳng biết là tương lai có nên nổi cái chức gì không, chỉ thấy ế dài cổ, cô đơn buồn lắm!".

Thu còn tếu táo đùa rằng nếu đăng mong muốn của cô lên báo mà có anh chàng nào dò hỏi thì nhất định phải nói cho cô biết để cô còn liên lạc làm quen, biết đâu lại có duyên thành đôi, thành cặp.

Trai xây dựng mong có thời gian về với vợ

Liên lạc với Đình Tùng (34 tuổi, giám sát công trình xây dựng, người Hà Nội đang công tác ở Thái Nguyên), anh chàng tỏ vẻ buồn rầu than thở:

"Anh đang ở công trường xây dựng em ạ. Tết Tây vẫn phải đi làm cho kịp tiến độ công trình. Chỉ mong có thời gian về với vợ thôi. Suốt ngày đi xa làm việc, nhớ vợ lắm rồi".

Đình Tùng chia sẻ cái nghề của mình khổ nhất là cứ phải đi xa. Công ty cũng có chế độ đãi ngộ hợp lý, cung cấp tiền ăn, tiền ở nhưng cũng không thể bằng được ở nhà cùng gia đình. Không có vợ chăm sóc, anh chàng toàn phải ăn cơm hàng cháo chợ, trời lạnh ngủ một mình vừa lạnh vừa tủi. Năm mới nhìn gia đình người khác quây quần sum vầy, còn mình chỉ được nhìn vợ con qua màn hình điện thoại, nghe con trọ trẹ chúc ba năm mới vui vẻ, Tùng rất buồn, nhớ nhà và nhớ gia đình.

Mong muốn lớn nhất của Đình Tùng là kiếm được công trình ở trong thành phố, hoặc tỉnh thành ngay sát Hà Nội để có thể sáng đi tối về, quây quần cùng vợ con.

Mong công ty đừng cấm đi vệ sinh nữa

Thật tình cờ và bất ngờ là có tận hai cô nàng công sở chia sẻ ước muốn hài hước trên.

Ngọc My (24 tuổi, lễ tân tại TP.HCM) kể lể với khuôn mặt đau khổ: "Sếp của mình vô cùng nghiêm khắc. Một ngày đi vệ sinh mấy lần cũng bị soi. Đi nhiều quá là sếp la liền, kêu em cứ đi liên tục thế, lỡ có khách vào thì biết làm thế nào. Cả ngày mình chẳng dám uống nước để tránh có nhu cầu cần phải giải quyết, không sếp lại nguýt cháy mặt".

Lê Trang (26 tuổi, nhân viên hành chính - nhân sự tại Hà Nội) cũng kêu ca về vấn đề tương tự. Công ty của Lê Trang áp dụng hệ thống đóng mở cửa hiện đại, phải sử dụng vân tay mỗi khi muốn đi ra, đi vào văn phòng. Một ngày, mỗi người tối đa chỉ được ra vào 10 lần, nếu quá số lượt đó thì sẽ bị tính là tan sở sớm và bị trừ lương.

Trang mặt nhăn nhó, kêu ca "Lỡ mà đi vệ sinh nhiều thì sẽ bị tính là trốn làm về sớm, quá vô lý. Bình thường thì chắc cố nhịn cho rồi, cơ mà lỡ bị tiêu chảy, hay là yếu thận thì chết con nhà người ta".

Năm mới này Lê Trang mong các sếp hãy khai ân, suy nghĩ lại về quy định "độc, quái, ấn tượng" này cho các thần dân được nhờ.

Mong lương thưởng tăng, tiền vào như nước

Đây có lẽ là mong ước nhiều nhất của tất cả mọi người. Năm 2013 kinh tế vẫn ảm đạm, công việc khó khăn khiến nhiều người phải chịu cảnh việc thì nhiều mà tiền thì ít. Bởi vậy, ai cũng mong muốn lương tăng, thưởng tăng, âu cũng là để mưu sinh.

Kim Ngân (31 tuổi, nhân viên kế toán ở Hải Phòng) phân trần: "Tiền công trả xứng đáng thì mới nỗ lực, cống hiến được chứ. Cứ vắt kiệt sức lao động của người ta mà trả lương không ra gì thì ai mà chịu được. Mong các doanh nghiệp hãy biết nghĩ đến công nhân nhiều hơn".

Độc giả có chia sẻ về chuyện lương, thưởng Tết; Chia sẻ về những mong ước về nghề nghiệp trong năm 2014, hãy gửi thông tin cho tòa soạn vào ô thảo luận phía cuối bài viết hoặc email [email protected].

Theo Tri thức

Bình luận
vtcnews.vn