• Zalo

Nhận diện đúng, hỗ trợ nhanh để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Đầu TưThứ Ba, 07/07/2020 19:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

COVID-19 tại Việt Nam cơ bản được khống chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường.

Vấn đề đặt ra lúc này là nhanh chóng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp nhanh phục hồi sau đại dịch.

Bức tranh kinh tế tối màu sau đại dịch

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện những biện pháp phòng chống dịch lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam như cách ly toàn xã hội, dừng hoạt động giao thương giữa các tỉnh thành trong khu vực, đóng cửa các trường học…

Đến nay, về cơ bản chúng ta đã khống chế và kiểm soát được dịch bệnh trong nước, nhưng vẫn còn đó các nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào. Trước tình hình mới, Chính phủ có những giải pháp cấp bách, quyết liệt, không chỉ ứng phó với COVID-19 mà còn nhằm phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc.

Nhận diện đúng, hỗ trợ nhanh để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch - 1

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở giai đoạn cuối quý I, Việt Nam đưa ra 2 kịch bản phát triển kinh tế tương ứng với các giai đoạn khống chế dịch khác nhau. Kịch bản 1, dự báo Việt Nam khống chế được dịch, trong khi COVID-19 vẫn lây lan ở một số nước khu vực châu Á, thì nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng dao động từ khoảng 4,8-5,2%. Nhưng trên thực tế, tình hình COVID-19 trên thế giới đã phủ bóng đen lên tất cả các nền kinh tế. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đưa ra dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm ở nhiều khu vực có quan hệ thương mại mật thiết với nền kinh tế Việt Nam.

Kịch bản 2 dự báo còn xấu hơn. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng giảm sút nghiêm trọng, nhiều nước bị dự báo có tốc độ tăng trưởng GDP âm trong năm 2020. Số liệu thống kê của 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19 do nội tại nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, Đến thời điểm này, tốc độ tăng trưởng đang giảm dần và đến tháng 4, tháng 5 các biểu hiện của suy thoái kinh tế đã tương đối rõ nét.

Du lịch và dịch vụ đi kèm là ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khả năng phục hồi sẽ rất chậm. Các hoạt động khách sạn, ăn uống, khu vui chơi giải trí cũng như vận tải trong nước vì thế bị ảnh hưởng theo. Từ đó, tác động rất lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động, cũng như sự tồn tại của các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng.

Tình trạng trên khiến nhiều hãng hàng không trong nước sẽ gặp khó khăn, lợi nhuận giảm nhanh, khả năng phục hồi của ngành chỉ có thể diễn ra vào cuối quý III và trong quý IV. Ước tính thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 14.000 tỷ đồng so với năm 2019 do chuyến bay giảm. Để đạt được mức doanh thu và lợi nhuận của năm 2019, chắc chắn sẽ cần từ 2-3 năm.

Lĩnh vực khai thác dầu khí và nhiên liệu hoá thạch, do chịu tác động kép của dịch bệnh COVID-19 và việc giảm giá dầu thô cũng chịu cảnh thất thu về doanh số.

Riêng lĩnh vực điện, điện tử và điện thoại di động bị ảnh hưởng nặng nhất về tổng cung do bị đứt đoạn các chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, và có thể làm chậm lại tốc độ triển khai công nghệ 5G trên thế giới. Nhưng khả năng phục hồi của ngành này là nhanh nhất do nhu cầu thương mại điện tử, bán hàng online phát triển dẫn đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như chất bán dẫn, cơ khí chế tạo chính xác… sẽ phát triển theo.

Ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm và nông nghiệp tuy bị ảnh hưởng ít hơn 3 nhóm đã nêu song cũng đối diện nhiều khó khăn. Doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại sẽ phải thay đổi hình thức kinh doanh, phương thức mua bán hàng trực tiếp (face-to-face) sẽ có xu hướng giảm và dần nhường chỗ cho thương mại trực tuyến. Đây là lĩnh vực được hy vọng sẽ tạo thêm việc làm mới và có số lượng việc làm bị ảnh hưởng tương đối thấp.

Lộ trình giải cứu doanh nghiệp của Chính phủ

Từ tình hình nêu trên, có thể dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với khu vực doanh nghiệp, chính sách tài khóa điều chỉnh theo hướng nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân như cho phép khấu hao nhanh hơn đối với đầu tư vào máy móc – thiết bị mới, hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào công nghệ đổi mới – sáng tạo, hỗ trợ hoạt động đào tạo/đào tạo lại lao động của doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân.

Nhận diện đúng, hỗ trợ nhanh để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch - 2

Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như các gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 30 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12 nghìn tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15 nghìn tỷ đồng). Theo đó, trọng tâm và lộ trình các gói hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên từ an sinh xã hội, tài khóa và tín dụng; tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp…

Đồng thời đẩy mạnh phát triển fintech, thương mại và thanh toán điện tử để kích cầu tiêu dùng; có khung pháp lý cơ bản để quản lý các hoạt động kinh tế số. Hỗ trợ tài chính cho du lịch và quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Đặc biệt nhằm thúc đẩy phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng thành lập Ban trực thuộc Thủ tướng để thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới, đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Dành ưu đãi tối đa cho các tập đoàn/chuỗi cung ứng về thuế, thuê mặt bằng, cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ. Các ưu đãi này không phải vô điều kiện mà phải đi kèm với việc tập đoàn/chuỗi cung ứng cam kết phát triển nguồn nhân lực trong nước, kết nối với các doanh nghiệp nội địa, sử dụng các sản phẩm của họ cho các dự án đầu tư trong nước ví dụ như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)...Hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu thông qua các cơ chế tín dụng xuất khẩu; miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với phụ tùng, vật tư, thiết bị quan trọng để phục hồi nhanh hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Chính phủ cũng đang hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công để ổn định tỷ giá hối đoái và tiếp tục bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát lạm phát.

Dù chưa thể và không thể kỳ vọng mọi thứ ngay lập tức quay trở lại quỹ đạo bình thường, song với quyết tâm của Chính phủ, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân, có nhiều cơ sở để tin rằng chúng ta không chỉ chiến thắng COVID-19 mà đạt kỳ tích cả trên mặt trận kinh tế, phấn đầu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, không thấp như IMF dự báo chỉ 2,7%.

TS Nguyễn Đức Kiên(Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng)
Bình luận
vtcnews.vn