Nhạc sỹ Trần Tiến vừa có buổi công bố đêm nhạc Nửa thế kỷ phiêu bạt ghi dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật hơn 50 năm của ông. Tại buổi giới thiệu, nhạc sỹ U80 xuất hiện với thần sắc khoẻ mạnh, tươi trẻ.
Nhạc sỹ cho hay, nhiều năm qua ông chọn Vũng Tàu sinh sống. Song qua đợt dịch COVID-19, ông khuyên các nghệ sỹ trẻ hãy đến những khu dã chiến hát phục vụ bà con. Bản thân ông cũng dùng âm nhạc để lan tỏa những giá trị tích cực. Đó cũng là động lực để ông trở lại hát trong show diễn này.
Ông tâm sự: "Tôi đã rất muốn gặp khán giả, nhưng tôi có tuổi rồi. Ông Trịnh Công Sơn từng bảo tôi đừng lên sân khấu khi đã có tuổi, vì như thế sẽ mất đi vẻ đẹp thời trai tráng của mình. Thế nhưng, đó chỉ là vẻ đẹp bên ngoài thôi, dù mình có xấu quá mức cho phép thì khán giả vẫn yêu quý". Trần Tiến giữ bí mật về các tiết mục trong đêm nhạc song ông khẳng định "vẫn sẽ hát như chàng trai trẻ ngày xưa, chứ không phải là ông cụ như bây giờ".
Tác giả "Chị tôi" bộc bạch: "Từ xưa đến nay tôi có thể diễn hơn 1 nghìn đêm nhạc nhưng chưa bao giờ tổ chức đêm nhạc cho riêng mình. Nhưng dù sân khấu 6 nghìn khán giả hay 25 nghìn người ngoài sân vận động cho đến sân khấu 2-3 người thì vẫn cứ là tôi. Tôi có gì thì hát và kể như thế". Nhạc sỹ nói những năm qua, ông sáng tác rất nhiều nhạc phẩm. Ngay cả khi trên giường bệnh, Trần Tiến vẫn say sưa viết, dù hoàn thành xong, ông chỉ giữ lại cho riêng mình.
Cũng trong chương trình, nhạc sĩ Trần Tiến tự đệm guitar và hát nhạc phẩm Không gục ngã. Ông kể lại ca khúc được viết khi đang điều trị bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 4 tại bệnh viện Ung bướu. Thời điểm đó, ông tận mắt chứng kiến nhiều người bệnh lần lượt ra đi, nhưng điều đó không làm ông gục ngã, mà tiếp thêm sức mạnh để sống mạnh mẽ hơn, yêu cuộc sống hơn.
"Tôi bị xác định mắc bệnh ung thư vòm họng. Vòm họng là cái để tôi kiếm tiền nuôi vợ con mà ung thư luôn, đã thế còn là giai đoạn 4. Thời điểm đó, tôi thấy có những người cũng mắc bệnh như tôi, nhưng không chịu đựng nổi những lần xạ trị. Có người nhỏ hơn tôi 20 tuổi, không chịu nổi tia xạ và ra đi trước mặt tôi. Đến lần xạ trị thứ 30, tôi hoàn toàn không dậy nổi. Nhưng lúc đó, những giai điệu nói với tôi rằng: Trần Tiến đâu? Dậy đi, đừng có hèn! Thế là lúc tôi viết ra bài Không gục ngã", ông nói.
Trần Tiến cho biết ông quyết định dùng từ "phiêu bạt" để đặt cho đêm nhạc kỷ niệm chặng đường làm nghề của mình, thay vì “lãng du". Lý giải về điều này, nam nhạc sỹ nói mặc dù bản thân “có máu du ca, nhưng những điều đó xảy ra khi cuộc đời đẩy tôi vào phiêu bạt”.
Ông tâm tình: “Nhà tôi từng rất giàu, giàu thứ 6 ở Hà Nội, nhưng sau đó lại không còn gì. Tôi phải đi kéo xe, làm đủ nghề để nuôi mẹ, nuôi em. Tôi bị cuộc đời đẩy vào phiêu bạt. Chiến tranh thì tôi vào chiến trường, trở thành người lính bảo vệ đất nước. Nhưng tôi đi đến đâu là viết nhạc đến đó. Vì vậy dùng từ phiêu lưu, lãng du… cũng đủ, nhưng đúng nhất là phiêu bạt".
Nửa thế kỷ phiêu bạt được chia thành 3 phần gồm Guitar (Câu chuyện về người lính, những phận người trong chiến tranh qua con mắt âm nhạc của chàng trai trẻ), Ngẫu hứng (Câu chuyện đời và tình yêu, những câu chuyện từ cuốn nhật ký của người đàn ông với trái tim yêu cuộc đời tha thiết) và Trắng đen (Những chiêm nghiệm của một cây đàn cũ, chứng kiến mọi thăng trầm của đời sống). Chương trình lần này có sự xuất hiện của dàn ca sỹ khách mời ấn tượng như: Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa...
Đêm nhạc được dàn dựng bởi tổng đạo diễn Cao Trung Hiếu, giám đốc âm nhạc Đức Trí và sẽ diễn ra vào ngày 13/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Bình luận