Nhà vườn Tây Nguyên 'đỏ mắt' tìm nhân công thu hái 'vàng đen'

Đời sốngThứ Sáu, 04/03/2022 10:24:00 +07:00
(VTC News) -

Dù tiêu đang mùa được giá song các nhà vườn tại Tây Nguyên lại gặp phải khó khăn lớn về nhân công thu hái, tiêu chín đỏ cả vườn nhưng vẫn không kịp thu hoạch.

Video: Nhà vườn Tây Nguyên 'khát' nhân công thu hái hồ tiêu

Toàn khu vực Tây Nguyên có hơn 100ha hồ tiêu, tập trung ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Giá hồ tiêu năm nay đang phục hồi ở mức cao, trên dưới 80.000 đồng/1kg khiến nông dân Tây Nguyên không khỏi vui mừng vì có vụ thu hoạch mới đầy khởi sắc. Song, các nhà vườn lại đang gặp phải khó khăn lớn về nhân công thu hái, tiêu chín đỏ cả vườn mà không kịp thu hoạch.

Tiêu chín đỏ, rụng đầy vườn

Với diện tích hơn 33.500 ha hồ tiêu, tập trung tại các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức, sản lượng đạt hơn 60.000 tấn/năm, theo tính toán, tỉnh Đắk Nông cần khoảng 2.000 nhân công để thu hoạch hồ tiêu.

Nhà vườn Tây Nguyên 'đỏ mắt' tìm nhân công thu hái 'vàng đen' - 1

Các hộ trồng tiêu ở Tây Nguyên chật vật tìm người thu hái.

Gần một tuần nay, anh Hồ Sỹ Hào (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) chạy ngược xuôi tìm người hái tiêu song vẫn lực bất tòng tâm. Theo anh Hào, do đặc thù trái tiêu nhỏ, kết theo chuỗi nằm xen lẫn trong cành, thân lá nên việc thu hoạch chỉ dựa vào thủ công là chính.

Với 5.000 trụ tiêu, gia đình anh Hào cần ít nhất 20 nhân công hái hồ tiêu cho vụ mùa này, nhưng tìm đủ cách vẫn chưa có  nhân công. “Không chỉ nhờ người quen tìm giúp, tôi còn liên hệ các mối cũ và đã trả công cao hơn so với năm ngoái nhưng không gọi được người. Trong khi đó, tiêu thì chín cả vườn, nhiều cây rụng quả đầy gốc vì trời mưa, người dân như tôi không biết làm cách nào”, anh Hào rầu rĩ.

Nhà vườn Tây Nguyên 'đỏ mắt' tìm nhân công thu hái 'vàng đen' - 2

Thuê lao động thu hoạch trong thời điểm dịch bệnh là một bài toán khó với người dân. (Ảnh: Hiền Mai)

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông) cho hay, gia đình có 2ha hồ tiêu đang vào giai đoạn kinh doanh nên năng suất rất cao. Anh tìm thuê nhân công với giá 230.000đ/ngày, bao cơm trưa nhưng nhiều nhân công lắc đầu không nhận việc. Anh chuyển qua thuê khoán với giá 3.000đ/kg nhưng cũng không ai mặn mà.

“Trong khi tiêu thì chín đỏ cả vườn mà người nhận hái lại đưa ra điều kiện là phải chờ đến khi họ hái cho vườn khác xong thì mới tới vườn nhà mình, người làm nông như tôi biết làm sao”, anh Hùng than thở.

Lên “chợ online” tìm nhân công

Tương tự, tỉnh Gia Lai cũng là một trong những thủ phủ của "vàng đen" với diện tích hơn 20.000ha. Những ngày nay, hầu hết các hộ trồng tiêu đang phải chật vật với bài toán tìm người thu hái.

Từng là nông sản giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú, có nhà lầu, xe hơi nên hồ tiêu được ví như "vàng đen" của thủ phủ hồ tiêu Tây Nguyên.

Sở hữu vườn hồ tiêu với hơn 1.000 trụ, gia đình anh Trần Đức Công (37 tuổi, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) mọi năm phải thuê 4 đến 6 nhân công từ các tỉnh Quảng Trị, Huế vào hái thuê. Vậy mà năm nay, dù đã cố gắng gọi cho những mối cũ nhưng không ai nhận, lý do chính mà anh Công nhận được là vì lo dịch bệnh.

"Nhiều cây tiêu đã chín đỏ và rụng xuống gốc nên 2 ngày nay vợ chồng phải tranh thủ đi hái tỉa về phơi. Nhà tôi cũng đã lên mạng xã hội, vào các nhóm hội nông dân để đăng bài tìm thuê người hái. Dù giá thuê cao hơn so với mọi năm vậy mà nhiều người vẫn e dè lắm, nhà tôi chỉ mới thuê được 2 người mà họ hẹn đến ngày mốt mới qua. Nếu tình trạng này kéo dài, tiêu sẽ rơi rụng làm tăng tỉ lệ hao hụt trong thu hoạch, nông dân sẽ bị thiệt hại lớn", anh Công nói và cho biết, nếu không thuê được người, gia đình anh sẽ phải vận động thêm người nhà để hái trong hai tuần.

Nhà vườn Tây Nguyên 'đỏ mắt' tìm nhân công thu hái 'vàng đen' - 3

Nhiều hộ dân đăng tải bài viết lên các hội nhóm trên mạng xã hội với hy vọng tìm được nhân công hái hồ tiêu thuê.

Không chỉ lao động ngoài tỉnh mà ngay cả lực lượng lao động trẻ tại địa phương cũng không mặn mà với loại hình công việc có tính thời vụ này. Chị Huỳnh Thị Duyên (huyện Đức Cơ) cho biết, mấy năm trước, cứ vào vụ thu hoạch hồ tiêu thì thanh niên trong làng hồ hởi đi hái thuê. Hai năm nay, số thanh niên này rủ nhau vào các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân, thu nhập ổn định hơn nên nhân công tại chỗ cũng vì thế mà khan hiếm hơn.

“Giờ vào làng tìm mấy người trẻ trẻ đi hái hồ tiêu thì không ai muốn đi đâu, mà tìm cũng không có. Mấy hôm nay sau khi hái cho vườn nhà xong thì tôi qua vườn hàng xóm để hái giúp, được người ta trả cho mỗi ngày 200.000 đồng, chứ tiêu chín rụng mà tìm không ra người hái để vậy thì xót lắm", chị Duyên giãi bày.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, đơn vị đã ban hành văn bản hướng dẫn đến các địa phương về việc tổ chức thu hoạch nông sản (trong đó có hồ tiêu) trong điều kiện dịch bệnh. Các địa phương cần rà soát lực lượng lao động tại chỗ có nhu cầu làm công nhân thời vụ để giới thiệu cho nông dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý.

Còn tại tỉnh Gia Lai, để giải quyết tình trạng thiếu lao động hỗ trợ người dân, các địa phương đã thành lập các tổ đổi công ở các xã, tận dụng hết lao động tại chỗ. Chính quyền địa phương cũng chủ động liên hệ với các đơn vị quân đội huy động lực lượng giúp dân thu hái hồ tiêu.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp