Nhà vườn tỉnh Tiền Giang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch trái sầu riêng. Tuy nhiên, doanh nghiệp và thương lái đã tạm ngừng thu mua đã làm cho người trồng loại cây ăn trái này rơi vào tình trạng khó khăn, hàng chục tấn trái sầu riêng có nguy cơ bị ế ẩm.
Ông Trình Văn Sỹ, nông dân có 1 ha đất trồng cây sầu riêng cũng như hàng trăm hộ dân khác ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, hiện rất lo lắng vì vườn cây này dù gần đến thu hoạch nhưng đầu ra khó khăn. Ông Sỹ cho biết, gần 20 tấn trái sầu riêng của gia đình hơn mười ngày nữa sẽ chín, chưa biết tiêu thụ nơi đâu.
Thống kê từ UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, trên địa bàn có gần 20 kho sầu riêng của các doanh nghiệp. Ở thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ thu mua "nhỏ giọt" do việc xuất khẩu trái cây này sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên chỉ thu mua trái sầu riêng ở các vườn có ký hợp đồng trước nhưng số lượng rất hạn chế.
Ông Trần Văn Thành, chủ doanh nghiệp Thành Hân, chuyên thu mua trái sầu riêng xuất khẩu ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, doanh nghiệp hiện còn tồn đọng nhiều hợp đồng thu mua trái sầu riêng của nhà vườn do không đưa đi xuất khẩu được.
"Tôi còn tồn đọng 200 tấn trái sầu riêng không đi được. Rất mong cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, can thiệp, để trái sầu riêng đi qua bên đó cho dân khỏe chứ bây giờ trái không đi được, chúng tôi không thể mua thêm", ông Thành cho hay.
Tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có nhiều cơ sở thu mua trái sầu riêng phải đóng cửa. Từ đó dẫn đến giá trái sầu riêng đang giảm dần. Cách nay khoảng nửa tháng, giá trái sầu riêng ở mức hơn 70.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn dưới 50.000 đồng/kg nhưng chỉ có một vài thương lái thu mua để tiêu thụ nội địa.
Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy - nơi có hơn 1300 ha vườn sầu riêng, kiến nghị "Chính quyền địa phương cũng như bà con ở vùng trồng cây sầu riêng chuyên canh chúng tôi rất mong có đầu ra cho trái sầu riêng.
Hiện nay, đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng thương lái mua rất chậm. Mỗi ngày, chỉ tiêu thụ mười mấy tấn trái, so với trước đây rất ít, trong khi đó 20 ngày nữa sầu riêng phải cắt rất nhiều. Cứ ùn ứ như hiện nay thì thiệt hại cho bà con rất lớn".
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 8.500 ha cây sầu riêng, trồng tập trung ở các huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, Cái Bè… cho sản lượng trên 200.000 tấn/ năm. Trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung quốc.
Những năm gần đây, đầu ra trái cây này rất ổn định. Vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn để thu mua. Sầu riêng là một trong 7 loại trái cây đặc sản hàng đầu ở tỉnh Tiền Giang, cho lãi hơn 1 tỷ đồng/ha/ năm.
Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang cho biết, phía tỉnh cũng đã có văn bản gửi về cơ quan chức năng của trung ương xem xét, tháo gỡ.
"Bây giờ vướng mắc này phải nhờ góc độ trung ương tháo gỡ chứ tỉnh không thể tháo gỡ được. Tỉnh đã có văn bản gửi về cho Thương vụ của Việt Nam tại Trung quốc để nắm về tình hình tiêu thụ trái cây để họ có thông tin và đàm phán", ông Phương nói.
Trước nguy cơ trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang rơi vào tình trạng khó khăn đầu ra, các ngành chức năng ở tỉnh Tiền Giang và các Bộ, ngành trung ương cần sớm quan tâm, tháo gỡ những rào cản trong việc xuất khẩu loại trái cây này. Qua đó, nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh trái sầu riêng hoạt động ổn định và bảo vệ thành quả lao động của người nông dân.
Bình luận