Trong căn nhà ở phố Tam Trinh, cũng là trụ sở của Trung tâm Văn hóa doanh nhân, một ngày đầu thu năm 2014, cách đây đã hơn 8 năm, nhà văn Lê Lựu lần về ký ức, kể cho tôi nghe những dấu ấn trong cuộc đời mình.
Lúc bấy giờ, qua mấy đận tai biến, lại bệnh tật đầy mình, sức khỏe của tác giả Thời xa vắng đã sút kém lắm rồi. Ông nằm, thi thoảng gượng ngồi phải có người đỡ dậy, trò chuyện bằng những câu ngắn, hụt hơi. Nhà văn tự nhận mình đã “cạn nghĩ” nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, tỉnh táo, hãy còn nhớ những chuyện từ xửa xưa mà không hề bị sai lệch hay phải đính chính.
Một thời ngang dọc, nay phải chôn chân một chỗ, ông thanh minh: “Cách đây độ 10 năm, sức khỏe của tôi vô địch, có thể viết một mạch cả ngày cả đêm trong 6 tháng ròng”.
Nhà văn không nói chơi. Thực tế từ năm 2010 đến năm 2013, ông xuất bản tới ba cuốn sách - Thời loạn, Ở quê ngày ấy và Gã dở hơi. Và kể cả thời điểm đầu thu năm ấy, khi thân tâm đã bải hoải, ông vẫn đang viết dở bản thảo Kẻ chạy trốn. Khao khát được viết vẫn dày vò tâm trí Lê Lựu nhưng thân thể đau bệnh đã khiến ông phải bỏ cuộc.
Công chúng biết tới nhà văn Lê Lựu chủ yếu qua hai tác phẩm Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông. Cả hai tiểu thuyết này đã được dựng thành phim và đều là tác phẩm ăn khách của truyền hình thập niên 2000. Bản thân người viết cũng đã không dưới hai lần xem lại phim Sóng ở đáy sông, một bộ phim chất chứa bao nhiêu thương cảm, uất ức và cả hoài niệm, đặc biệt với những người sinh ra và lớn lên trên đất Cảng - Hải Phòng.
Nhà văn Lê Lựu cũng cho rằng đây là bộ phim chuyển thể thành công tiểu thuyết của ông. Ông đã dành tới 3 tháng cho kịch bản, 6 tháng rong ruổi cùng đoàn phim, đã trực tiếp góp ý cho đạo diễn, thị phạm cho diễn viên những cảnh phim đắt giá nhất, như cảnh ba đứa con tội nghiệp của nhân vật bà Hiển - Núi, Sông, Biển - xếp hàng chào người cha đi làm về, hay cảnh chúng vạ vật với những trò chơi con trẻ hồn nhiên trong căn nhà mà cả người mẹ và chúng đều như kẻ ăn người ở.
Đời văn của Lê Lựu bội thu nhất vào quãng từ năm 1984 đến 1994, cũng là thời điểm ra đời hai tác phẩm để đời của ông: Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông. Thế nhưng, theo lời nhà văn, tác phẩm ưng ý nhất của ông là tiểu thuyết Chuyện làng Cuội, một câu chuyện khai thác trung thực những ngóc ngách cuộc đổi mới của đất nước.
Với quan niệm văn chương là cuộc đời, chỉ viết về những điều mình “thuộc” nhất, tác phẩm của Lê Lựu đi sâu vào các thân phận trong cuộc chuyển mình của từng thời kỳ ông sống. Nhà văn tự nhận: “Tôi không có tài năng gì, chỉ có chép lại sự thật một cách chân thành, đúng đắn, công bằng”. Nhưng hơn ai hết, xuất thân là người lính thông tin trưởng thành từ những dòng tin dưới 30 từ, ông biết rằng viết văn phải có ý tưởng rõ ràng, minh bạch. Viết đúng, viết trung thực đã đành, còn phải phản ánh đúng tâm lý nhân vật.
Dĩ nhiên, kim chỉ nam là một đằng, thực hiện quan điểm lại là cả quá trình gian nan. Trời phú cho nhà văn Lê Lựu sức khỏe, đam mê, năng lượng viết tràn trề. Và cũng không biết là may mắn hay bất hạnh, cuộc đời ông lại có nhiều trải nghiệm, mất mát, nhiều dấu ấn đặc biệt. Tất cả được Lê Lựu đưa vào những trang văn. Ông viết, trước tiên là để giải phóng nguồn năng lượng, những trăn trở luôn quậy cựa trong tâm trí. Mỗi nhân vật, dù là Phạm Quang Núi (Sóng ở đáy sông) hay Giang Minh Sài (Thời xa vắng) đều là một “mảnh” chân dung của chính tác giả - Lê Lựu.
Năm 2014, khi sức khỏe đã sút kém nhiều, ý tưởng viết vẫn thôi thúc nhưng tay cầm bút đã mỏi, nhà văn Lê Lựu vẫn đứng ra thành lập quỹ nhà văn mang tên mình. Ông bỏ ra 1 tỷ đồng ban đầu để thành lập, sau đó quỹ tạo vốn trên cơ sở đóng góp của cá nhân, tổ chức. Quỹ hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn học – xã hội, văn hóa doanh nhân, hai mảng đề tài gắn liền với sự nghiệp của Lê Lựu. Từ bấy đến nay, quỹ cùng với Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức những cuộc thi viết truyện, ký với các giải thưởng có giá trị; các tác giả, tác phẩm được vinh danh bằng thực lực. Sinh thời, nói về tiêu chí hoạt động của quỹ này, nhà văn Lê Lựu khẳng định, ông “muốn góp phần làm chỉn chu hơn giải thưởng văn học”.
Có thể nói, ngoài văn chương, gần chục năm cuối đời, dù sức khỏe kém, Lê Lựu đã làm được những việc thực sự ý nghĩa. Những năm này, ông tự nhận “đầu óc đã cạn nghĩ” nhưng rõ ràng trái tim vẫn còn thổn thức với văn chương, với cuộc đời. Giờ đây, nhà văn đã yên nghỉ. Với những giá trị gửi lại nhân gian, ở thế giới khác, hẳn ông đã phần nào nhẹ lòng…
Đại tá, nhà văn Lê Lựu sinh ngày 2/2/1938, nguyên quán ở thôn Mãn Hoà, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông là Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá Doanh nhân; được trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Thời kỳ đầu sự nghiệp, nhà văn Lê Lựu có nhiều sáng tác như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976) – được xem là tác phẩm xuất sắc của văn học thời kỳ chiến tranh. Sau này, tên tuổi của ông được khẳng định trên văn đàn với ba tiểu thuyết kinh điển: Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994)… Trong đó, Thời xa vắng đoạt giải A giải thưởng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990.
Bình luận