“Chúng tôi sẽ cho phép họ làm vậy. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho việc đó, và chúng tôi cho phép họ hỗ trợ, tạo điều kiện và cung cấp các công cụ cần thiết để các phi công Ukraine có thể bắt đầu huấn luyện sử dụng máy bay F-16, ngay khi các nước châu Âu sẵn sàng”, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết hôm 16/7.
Ông Sullivan nói thêm rằng, giới lãnh đạo châu Âu cần vài tuần để chuẩn bị cho việc huấn luyện và Washington “sẽ không trì hoãn, nhằm đảm bảo quá trình huấn luyện có thể được thực hiện”.
Nỗ lực của phương Tây trong việc giúp Kiev mua máy bay chiến đấu F-16 và đào tạo phi công lần đầu tiên được Anh và Hà Lan công bố vào giữa tháng 5. Đến nay, tổng cộng 11 quốc gia hỗ trợ sáng kiến này với một trung tâm đào tạo dự kiến sẽ được thành lập ở Romania.
Trước đó, hôm 14/7, Politico dẫn nguồn tin cho biết các nước châu Âu vẫn đang chờ Mỹ chấp thuận để bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
Theo Sputnik, chương trình đào tạo dự kiến sẽ được triển khai tại Đan Mạch và Romania. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 6 cũng cho biết liên minh đang lên kế hoạch bắt đầu khóa huấn luyện vào mùa hè này.
Trong những tháng gần đây, Ukraine nhiều lần yêu cầu các nước phương Tây viện trợ máy bay phản lực F-16, nhấn mạnh F-16 có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sức mạnh không quân Nga.
Tuy nhiên, giám đốc tác chiến của Lầu Năm Góc, Trung tướng Douglas Sims II ngày 13/7 cho biết, các điều kiện trên chiến trường ở Ukraine không phải là "lý tưởng" để sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Nga sở hữu khả năng phòng không khá mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, nếu những chiếc F-16 được gửi đến Ukraine, chúng sẽ "bị đốt cháy" như các khí tài khác mà phương Tây gửi cho Kiev. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả gói viện trợ F-16 cho Ukraine là một động thái leo thang căng thẳng và chúng có thể mang vũ khí hạt nhân.
Bình luận