Trong cuộc bầu cử đầy gay cấn ngày 8/11 (giờ Mỹ), Donald Trump giành được 288 phiếu đại cử tri sau khi thắng tại các bang như Montana, Bắc Dakota, Nam Dakota hay Wyoming, chính thức trúng cử vị trí Tổng thống Mỹ.
Sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, VTC News phỏng vấn Đại sứ, TS. Nguyễn Ngọc Trường để làm rõ hơn những thay đổi trên thế giới cũng như quan hệ Việt - Mỹ sau khi Washington chọn được lãnh đạo mới.
- Tiến sỹ đánh giá thế nào về kết quả bầu cử này?
Kết quả của cuộc bầu cử ngày 8/11 ở Mỹ khác rất nhiều so với các dự đoán đưa ra trước giờ bỏ phiếu. Đây có thể được xem là một trong những bất ngờ lớn của năm 2016 mặc dù đã gần đi đến cuối năm.
Điều này cho thấy nước Mỹ đang mong muốn sự thay đổi. Người dân Mỹ không muốn chính quyền mới tiếp tục duy trì các chính sách của Tổng thống Obama hiện nay, được cho là thiếu mạnh mẽ.
Sau khi ông Trump lên làm tổng thống, rất có thể Mỹ sẽ tiếp cận các vấn đề trên thế giới theo phương thức cứng rắn hơn chứ không ôn hòa.
- Thưa Tiến sỹ, việc Donald Trump lên làm Tổng thống sẽ khiến thế giới có những thay đổi gì?
Theo tôi, không có biến động lớn trên quy mô toàn cầu. Nước Mỹ trước mắt sẽ hướng nội và củng cố sức mạnh bên trong.
Tuy nhiên, một số cặp quan hệ nổi bật sẽ thay đổi, cụ thể là giữa các nước lớn.
- Ông có thể nói rõ hơn?
Sau khi ông Trump lên làm Tổng thống, nhiều khả năng quan hệ Mỹ - Nga sẽ được cải thiện. Từ đó, có thể nói quan hệ Matxcơva - Bắc Kinh cũng bị ảnh hưởng, không còn nhiều động lực như trước.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung vẫn có nhiều điều cần quan tâm. Theo tôi, Donald Trump sẽ gây sức ép về các vấn đề thương mại, tài chính, từ đó chính quyền Bắc Kinh phải đưa ra một số thỏa hiệp.
Về vấn đề Biển Đông, có thể chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ không quá tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc ở khu vực này.
Tuy nhiên, tỷ phú người Mỹ từng tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách quốc phòng, củng cố sức mạnh quân sự quốc gia. Trong đó, hải quân là một lực lượng nòng cốt, sẽ được nâng cao năng lực.
Vì vậy, nhiều khả năng lực lượng này của Washington sẽ không chịu nhìn Bắc Kinh bành trướng, chiếm đóng và đồn trú trái phép trên khu vực Biển Đông.
Video: Bài phát biểu ấn tượng của Donald Trump sau khi đắc cử
- Vậy điều này sẽ ảnh hưởng gì đến chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay, thưa ông?
Theo tôi, chiến lược này sẽ chấm dứt sau khi ông Trump lên nhậm chức, tuy nhiên, một số thành tố có giá trị truyền thống vẫn được giữ nguyên trạng.
Cụ thể, Đông Bắc Á tiếp tục là trọng tâm của Mỹ, trong khi đó vai trò của Đông Nam Á sẽ giảm dần.
Ở Đông Bắc Á, mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ có những thay đổi. Washington sẽ muốn Tokyo và Seoul chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn.
Ngoài ra, với sự cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga như đã nói ở trên, mối quan hệ Matxcơva - Tokyo cũng được cải thiện, do sự liên quan lẫn nhau của các quốc gia này.
- Còn các vấn đề nóng trên thế giới như khủng bố, hạt nhân Triều Tiên.. sẽ được xử lý theo hướng nào ở nhiệm kỳ tiếp theo, thưa Tiến sỹ?
Trước hết, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có thể nói không có vai trò quan trọng đối với Chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ tới.
Về vấn đề khủng bố, ông Donald Trump sẽ có những biện pháp cứng rắn nhằm tiêu diệt các phần tử này.
Ở Trung Đông, Mỹ có thể sẽ sớm bắt tay với Nga cùng giải quyết ổn thỏa tình hình, truy quét hoàn toàn lực lượng khủng bố trong khu vực.
Tuy nhiên, với ông Trump, vấn đề khủng bố trong nước và an ninh nội địa mới được quan tâm hàng đầu. Các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ tiếp tục bị theo dõi chặt chẽ và hứng chịu những biện pháp chống khủng bố mạnh tay từ chính quyền Mỹ.
- Cuối cùng, quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng khởi sắc, theo ông, Tổng thống mới sẽ có tác động gì đến mối quan hệ này?
Có thể nói, quan hệ Việt - Mỹ đã bước lên một tầm cao và có sự ổn định. Vì vậy, khi Mỹ có Tổng thống mới, các chính sách giữa 2 nước sẽ không có nhiều sự thay đổi và ảnh hưởng.
Tuy nhiên, có một số vấn đề sẽ gặp khó khăn, ví dụ như TPP sẽ bị đẩy lùi vì Donald Trump là người kiên quyết chống lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương này.
Ngoài ra, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) có thể sẽ ít được quan tâm hơn. Khối ASEAN cũng có thể sẽ không còn nằm trong chiến lược chính của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nữa.
Những điều này, phần nào sẽ gây ra những tác động đối với Việt Nam.
Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra những vụ tranh chấp thương mại, liên quan trực tiếp đến vấn đề việc làm thì chính quyền Washington sẽ nghiêng về lợi ích của các công ty, tập đoàn của Mỹ.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận