Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định trong buổi họp báo rằng Washington tuyên bố rất rõ ràng về việc mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 có thể “làm bùng nổ loạt lệnh trừng phạt nhằm vào các quốc gia và thực thể trên toàn cầu”. Đồng thời bà Nauert bày tỏ thái độ không đồng ý với việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Hiện tại, tổ hợp tên lửa phòng không S-400 đang có mặt trong biên chế quân đội Nga, quân đội Belarus và quân đội Trung Quốc, song nhiều quốc gia trên thế giới đang bày tỏ ý định sở hữu tổ hợp tên lửa phòng không được liệt vào danh sách tốt nhất thế giới này.
Ấn Độ là một trong các quốc gia có thể bị Mỹ trừng phạt vì mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. Tháng 10/2016, Matxcơva và Delhi đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc bàn giao tổ hợp S-400, tuy nhiên hợp đồng chính thức chưa được ký kết. Ngày 20/8, Giám đốc Cơ quan Liên bang phụ trách Vấn đề Hợp tác Kỹ thuật Quân sự của Nga, Dmitry Shugaev thông báo Nga và Ấn Độ đang tiến tới việc ký kết hợp đồng bàn giao tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và nhiều khả năng hợp đồng này sẽ được ký vào tháng 10/2018.
Washington cảnh báo New Delhi về hậu quả của việc mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400, tuy nhiên Ấn Độ gửi phái đoàn quan chức và chuyên gia quốc phòng cao cấp đến Mỹ để thuyết phục nước này không cấm vận Ấn Độ vì S-400.
Ả-rập Xê-út cũng bày tỏ sự quan tâm đến tổ hợp S-400 của Nga trong Triển lãm Hàng không Dubai 2015, người đứng đầu công ty Rostec của Nga và Đại sứ Nga tại Ả-rập Xê-út xác nhận việc này. Năm 2017, Matxcơva và Riyadh đạt được thỏa thuận mà theo đó Nga sẽ cung cấp một số vũ khí cho Ả-rập Xê-út, trong đó có tổ hợp S-400, tuy nhiên hợp đồng chính thức chưa được ký kết do 2 bên chưa thống nhất về mặt kỹ thuật.
Video: Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir S2 tại Syria
Tháng 1/2018, Đại sứ Qatar tại Nga Fahad bin Mohammed Attiyah cho biết nước này đang trong giai đoạn đàm phán tiếp theo với Nga về việc mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400. Tuy nhiên bên cạnh áp lực từ Washington, Doha có thể phải đối mặt với việc Ả-rập Xê-út phản ứng dữ dội khi tìm cách mua S-400 từ Nga, dù vậy Qartar được cho là vẫn tiếp tục thỏa thuận về thương vụ S-400 với Nga.
Iraq là quốc gia khác muốn mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga, lý do mà Baghdad đưa ra là việc sở hữu loại vũ khí này “sẽ tăng cường an ninh cho Iraq cũng như sức mạnh của các lực lượng vũ trang”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Jaafari nhấn mạnh rằng có thể Mỹ sẽ trừng phạt Iraq nếu nước này ký hợp đồng mua S-400 của Nga, đồng thời cho biết Baghdad chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc này.
Bình luận