• Zalo

Vị ‘bác sĩ’ của cây hồ tiêu

Sản phẩmThứ Năm, 15/06/2017 22:22:00 +07:00Google News

Với chế phẩm sinh học Pseudomonas cho cây hồ tiêu, PGS. TS. Trần Thị Thu Hà đã giúp người trồng hồ tiêu phòng trừ bệnh chết nhanh, tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí trong sản xuất.

13695078_1389851801031248_963865768_n

PGS.TS Trần Thị Thu Hà – tác giả của chế phẩm sinh học Pseudomonas phòng trừ bênh chết nhanh trên cây hồ tiêu 

12 năm tâm huyết nghiên cứu, hoàn thiện chế phẩm sinh học

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà hiện đang công tác tại Khoa Nông Học, trường Đại Học Nông Lâm, Đại Học Huế. Chuyên ngành giảng dạy và nghiên cứu của chị là khoa học cây trồng và phòng trừ sinh học.

Tâm sự với VTC News, PGS. TS. Trần Thị Thu Hà cho biết, chị đã nghiên cứu chế phẩm sinh học Pseudomonas này trong 12 năm, bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu thử nghiệm và nghiên cứu ứng dụng. Năm 2015, sản phẩm sinh học Pseudomonas mới được ra mắt thị trường.

“Nghiên cứu này được bắt nguồn từ luận án tiến sỹ của tôi tại Hà Lan từ 2003-2007, và sau đó tiếp tục được phát triển thêm sau khi về nước.” – PGS.TS Trần Thị Thu Hà cho hay.

Lý do khiến chị tập trung vào giống hồ tiêu là bởi, cây hồ tiêu ở Việt Nam là một trong những cây trồng chủ lực và mang lại giá trị kinh tế cao, và cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Tuy vậy, người nông dân trồng hồ tiêu có thể bị thiệt hại kinh tế lớn bởi bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici gây ra, và khi bệnh lây lan, cây hồ tiêu có thể bị chết hàng loạt.

“Theo các nhà khoa học thế giới bệnh chết nhanh chỉ phòng bệnh mới đem lại hiệu quả, khi bệnh đã phát thì biện pháp chữa trị hầu như không hiệu quả. Đây là lý do chủ yếu khiến tôi nghiên cứu và quyết tâm tìm ra công nghệ mới để phòng bệnh nguy hiểm này” – PGS.TS Trần Thị Thu Hà chia sẻ.

13695738_1389852081031220_1259949770_n

PGS.TS Trần Thị Thu Hà cùng với nông dân và các em sinh viên tại vườn ươm cây hồ tiêu 

Chị tâm sự, để thử nghiệm vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida có khả năng làm vỡ/phân giải bào tử động nấm chết nhanh trên cây hồ tiêu, giai đoạn 2003 – 2004, chị đã mất hơn nửa năm trời nghiên cứu các biện pháp trong phòng thí nghiệm để nấm Phytophthora capsici sinh bào tử động nhằm sử dụng đánh giá trong thí nghiệm. Có lúc, thí nghiệm gần như bế tắc, đi vào ngõ cụt và không ít lần chị rơi nước mắt vì e rằng không thực hiện được.

Có công mài sắt, có ngày nên kim

“Nhưng trời không phụ công người và cũng rất may thầy giáo hướng dẫn và cô kỹ thuật viên luôn động viên mỗi khi tôi thất vọng, thí nghiệm đã được thực hiện và thành công để có kết quả như ngày hôm nay sản phẩm đã ra thị trường” – PGS. TS Trần Thị Thu Hà chia sẻ.

Được biết, từ khi ra mắt cho đến nay, sản phẩm sinh học Pseudomonas cho cây hồ tiêu đã được rất nhiều người nông dân đón nhận, thu về những phản hồi tích cực về sản phẩm khi ứng dụng trên cây hồ tiêu và một số cây trồng khác.

Video: Công nghệ sinh học đang ngày càng giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

Chia sẻ nhận định của mình, PGS. TS. Trần Thị Thu Hà cho rằng, tuy các sản phẩm sinh học ở Việt Nam còn hạn chế và chủ yếu là nhập khẩu từ các nước phát triển, song, trong những năm gần đây, người nông dân đã có xu hướng sử dụng các sản phẩm sinh học trong nước để cây trồng của mình được phát triển hơn.

“Hiện nay, nhiều người sử dụng vẫn ưu chuộng hàng nhập khẩu. Nhưng một số nông dân hiểu biết thì họ nhận thức ra rằng, các sản phẩm nhập ngoại đa số từ các nước phát triển có khí hậu ôn đới, mà Việt Nam là khí hậu nhiết đới, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay thì việc sử dụng các sản phẩm sinh học trong nước từ các vi sinh vật bản địa cho thấy nhiều lợi thế với khả năng thích ứng với điều kiện ngoại cảnh ở Việt Nam hơn” – PGS. TS Trần Thị Thu Hà nói.

IMG_3651 3

Lễ ký kết thương mại hoá sản phẩm sinh học Pseudomonas giữa Trường Đại học Nông lâm Huế và Công ty Cổ phần Bình Điền – MeKong 

Chị cũng cho biết thêm, để những nghiên cứu của mình có thể đến tay người nông dân một cách rộng rãi, chị đã hợp tác và thương mại hóa các nhãn hiệu chế phẩm sinh học với Công ty Cổ phần Bình Điền – Mekong.

Nhờ vậy, các nghiên cứu của chị đã được ứng dụng, phổ biến trong thực tế, giúp người nông dân có thể tiếp cận chúng một cách dễ dàng. Trong số các nghiên cứu đã được thương mại hóa, PGS. TS Trần Thị Thu Hà cũng cho biết, sản phẩm sinh học Pseudomonas putida có 2 nhãn sản phẩm chính là MK8 và MK8 Plus phòng trừ bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora trên cây hồ tiêu, cam chanh, sầu riêng, chanh dây và 1 số cây rau như cà chua. Ngoài ra còn có sản phẩm sinh học Boka-Tricho (MK7) phòng trừ tuyến trùng hại hồ tiêu, cà phê và một số cây trồng cạn.

Với những kết quả khả quan đã thu được, PGS.TS Trần Thị Thu Hà cho biết thêm, trong tương lai, chị sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm khác để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Sắp tới chúng tôi sẽ duy trì nghiên cứu, phát triển và đưa ra một số sản phẩm là thành quả của các nghiên cứu khoa học, không những có thể ứng dụng trên hồ tiêu mà có thể trên một số cây trồng rau hoa quả theo hướng sinh học và thân thiện với môi trường.”

PGS.TS Trần Thị Thu Hà là một trong 5 giảng viên của Đại học Huế đã được công nhận đạt tiêu chuẩn PGS trước 40 tuổi. Chị tốt nghiệp đại học năm 1996, tiếp tục học thạc sỹ tại trường Đại học Nông Lâm Huế năm 1997; từ 2003 đến 2007 chị là Nghiên cứu sinh tại Hà Lan.

Ngoài công trình này, chị còn chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khác liên quan đến sử dụng các chế phẩm sinh học như: sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas Putida phòng trừ nhóm bệnh héo rũ hại Lạc do nấm; Sử dụng xạ khuẩn Streptomyces, nấm Trichoderma phòng chống bệnh thán thư, héo xanh trên cây ớt; Tạo dòng và biểu hiện gen Chitinase kháng nấm hại thực vật….

PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã gặt hái được nhiều giải thưởng khác nhau trong suốt quãng thời gian say mê, theo đuổi các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ: Giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng thế giới và Bộ kế hoạch đầu tư tổ chức tháng 6/2011 tại Hà Nội; Giải nhì – Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ 2013 (Inovation 2013) trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Đại học Huế và Bỉ (VLIR-IUC); Giải nhất – Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII (2014), lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống – Công trình “Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh hồ tiêu”, Giải khuyến khích VIFOTEC 2014 – Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam “Chế phẩm sinh học Pseudomonas phòng trừ bệnh chết nhanh cây hồ tiêu”.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn