Các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu thông qua việc rao bán đấu giá các khoản nợ và tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn chật vật trong việc thanh lý tài sản thế chấp. Nhiều khoản nợ giá trị lớn dù hạ giá nhiều lần, rao bán trong nhiều năm vẫn ế. Có nhiều khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo đầy đủ nhưng các ngân hàng vẫn khó khăn trong việc thanh lý.
Chỉ trong nửa đầu tháng 5, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) phát đi hàng chục thông báo về việc bán đấu giá tài sản, khoản nợ để thu hồi và xử lý nợ xấu. Đa số khoản nợ đang được ngân hàng này rao bán đều có giá trị lớn từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.
Trong đó, VietinBank Uông Bí vừa thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ của CTCP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Tập đoàn Quang Trung). Mức giá khởi điểm cho khoản nợ trên được VietinBank công bố là 460,412 tỷ đồng, bằng đúng giá trị khoản nợ. Trong trường hợp bán đấu giá lần 1 với mức giá khởi điểm nêu trên không thành, ngân hàng thực hiện giảm giá khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá khoản nợ, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.
Tương tự, VietinBank Chi nhánh Phúc Yên (Vĩnh Phúc) mới rao bán toàn bộ khoản nợ phát sinh tại Công ty TNHH Hải Phú Ngọc. Giá trị nợ đến ngày 13/5 là 55,2 tỷ đồng.
VietinBank cũng mới rao bán khoản nợ 161,5 tỷ của Công ty CP Phúc Đạt tại Chi nhánh Hải Dương, giá bán khởi điểm là 105,6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận bỏ gần 55,6 tỷ đồng nợ lãi trong khoản vay này để thu hồi.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Hà Nội (BIDV Nam Hà Nội) thông báo bán đấu giá lần thứ 11 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với giá khởi điểm hơn 1.154 tỷ đồng. Trong lần đầu rao bán vào cuối năm 2020, BIDV đưa ra giá khởi điểm khoản nợ này lên tới 2.100 tỷ đồng. Nhưng sau 10 lần bán bất thành, BIDV đã chấp nhận đại hạ giá gần một nửa xuống còn 1.154 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc Ngân hàng chấp nhận bỏ hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh trong khoản vay này để thu hồi nợ gốc.
BIDV cũng nhiều lần bán đấu giá khoản nợ 1.035,5 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy nhưng đều không thành công.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Giá khởi điểm rao bán trong lần gần nhất vào cuối tháng 3 còn 988,9 tỷ đồng, giảm hơn 110 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu tháng 3.
Vietcombank cũng rao bán đấu giá hoặc bán thỏa thuận khoản nợ hơn 79 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hùng Hưng. Trong đó, giá trị nợ gốc chỉ là 29,2 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi.
Hay Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn cũng mới rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới. Tài sản bao gồm 6 quyền sử dụng đất và công trình nhà cửa gắn liền trên hơn 1.900 m2 đất tại địa chỉ 20 Trần Cao Vân (Quận 1, TP) có giá khởi điểm gần 430 tỷ đồng.
Không dễ bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ
Lý giải nguyên nhân các ngân hàng rao bán tài sản thế chấp dù giảm giá liên tục mà vẫn ế, giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do nền kinh tế khó khăn hậu COVID-19 kéo dài, thị trường giao dịch tài sản thanh khoản thấp. Đến nay, dù kinh tế đang dần phục hồi nhưng cũng không dễ tìm được nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính để mua lại các khoản nợ có quy mô lớn.
Việc thanh lý tài sản đảm bảo có giá trị thấp sẽ dễ xử lý hơn. Còn những tài sản giá trị lớn, từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng sẽ khó bán hơn. Thường các ngân hàng phải mất nhiều lần rao bán, rồi hạ giá mới thanh lý được.
Việc bán đấu giá bất động sản là tài sản thế chấp có nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản. Nhiều tài sản thế chấp là bất động sản cần sự đồng thuận của chủ tài sản. Có nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên việc sang tên sở hữu mất nhiều thời gian.
Hơn nữa, nhiều tài sản bảo đảm khi phát mại được định giá theo giá trị chưa sát với giá thị trường nên dù giảm giá vẫn khó bán. Tài sản đảm bảo không được bán giảm giá quá nhiều nên mỗi lần phát mại giá chỉ giảm nhỏ giọt, khiến cho tài sản được đem ra đấu giá nhiều lần vẫn không thành công.
Các ngân hàng đang phải đẩy nhanh tiến trình thanh lý, đấu giá tài sản đảm bảo, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu được dự báo có nguy cơ tăng cao khi nhiều chính sách điều tiết sắp hết hiệu lực. Sau ngày 30/6, Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ hết hạn. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng sẽ hết hiệu lực vào tháng 8 này.
Bình luận