Ngôi nhà đó lúc xưa là nơi sinh sống của mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư, thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (vợ đồng chí Lê Hồng Phong) và bà Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp). Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dừng chân nơi đây. Thế nhưng, một thực tế đau lòng là hiện nay ngôi nhà đó lại bị lãng quên trong tình trạng gần đổ nát.
Ngôi nhà của những người cách mạng
Theo sổ sách được ghi lại trong sổ lưu niệm của chị họ Đậu, do ông Đậu Văn Toại (SN 1930) làm trưởng tộc thì cụ Đậu Thị Thư sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thịnh Quả (nay là xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Cụ Thư lập gia đình với cụ Nguyễn Huy Bình, người làng Mọc (Nhân Chính - Hà Nội).
Hai cụ sinh được tám người con (bốn trai, bốn gái) trong đó Nguyễn Thị Minh Khai là người con gái đầu. Căn nhà này cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dừng chân ở lại nhiều lần mỗi khi đi công tác qua đây. Sau này, con gái cụ Thư là Nguyễn Thị Quang Thái đã trở thành vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Không những cỏ dại mọc um tùm xung quanh mà ngôi nhà còn bị chắn ngang bởi trạm điện cao thế mới được xây dựng. |
Trước năm 1940, gia đình bà sống tại 132 phố Maréchal Foch (nay là phố Quang Trung), TP.Vinh. Về sau, gia đình bà về sống ở quê mẹ là xã Đức Tùng, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Đào Tùng (89 tuổi), người hàng xóm sống sát nhà và cũng là người một thời chung sống với gia đình cụ Thư cho hay: Đến khoảng năm 1954, gia đình cụ Thư đã chuyển hẳn ra Hà Nội sinh sống. Mặc dù khoảng thời gian sống tại quê nhà là khá ngắn ngủi, nhưng chính ngôi nhà này là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm nhất.
Sau một hồi dùng hết sức mình để mở khóa vì đã bị rỉ sét, chúng tôi được "mục sở thị" xem quang cảnh phía trong ngôi nhà. Cũng như bên ngoài, phía trong ngôi nhà, các bức tường và phần ngói lợp phía trên đã xuống cấp trầm trọng. "Lâu lắm rồi không ai tu sửa, quan tâm nên ngôi nhà tan hoang như thế này đây", ông trưởng xóm phân trần.
Ông cho biết thêm, ngôi nhà này lúc trước được chính quyền xã và người dân nơi đây dùng làm hội trường xóm khoảng 7 năm, sau đó nó lại được tận dụng vào việc dạy học mầm non cho các cháu trong xóm. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây căn nhà bỏ hoang, không sử dụng vào mục đích gì. Hiện tại ngôi nhà đã thực sự hư nát. Không những vậy, phần gạch lát nhà đã bị người ta cạy đi lấy từng viên gạch nhỏ khiến ngôi nhà trông càng tan hoang.
"Người dân chúng tôi đều mong muốn ngôi nhà di tích đó được tu sửa, để khách thăm quan có dịp đến đây được thắp nén nhang, tưởng nhớ những người có công với cách mạng, chứ nhìn ngôi nhà như vậy ai đi ngang qua cũng thấy tiếc nuối", ông Trần Văn Bình (67 tuổi) tâm sự.
Chính quyền thờ ơ?
Khi chúng tôi về địa phương để tìm hiểu về ngôi nhà này, những người dân nơi đây đều tỏ ý muốn ngôi nhà đó sớm tu sửa lại làm di tích lịch sử của địa phương.
Khi chúng tôi hỏi vì sao chính quyền xã lại đồng ý lắp trạm biến áp điện khi đang làm đơn lên cấp trên xin tu bổ lại ngôi nhà lịch sử, ông Thiết liền trả lời: "Căn nhà đó đã gần sập nên xã đồng ý làm việc đó. Đến khi nào có dự án tu bổ lại ngôi nhà thì trạm điện sẽ được dịch chuyển đi nơi khác. Tôi nghĩ mọi việc đơn giản vậy thôi".
Khi chúng tôi hỏi về việc có hay không xã Đức Tùng đã làm đơn đề nghị huyện tu bổ lại ngôi nhà đó, ông Đức vội nói: "Chúng tôi không hề nhận được văn bản nào từ xã Đức Tùng gửi lên liên quan đến ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư".
Trong khi căn nhà một thời là nơi sinh sống của những vị lãnh tụ cách mạng nổi tiếng đã gần sập, người dân địa phương đều mong muốn căn nhà nhỏ được tu sửa thì chính quyền các cấp lại trả lời một cách chung chung về việc làm liên quan đến ngôi nhà đó.
Theo Ngươiduatin
Bình luận