VTV3 tròn 25 tuổi và cũng từng đó năm nhà báo Tạ Bích Loan gắn bó với nó, những câu chuyện ngày đầu bỡ ngỡ được chị hé mở.
Bị khán giả đòi đuổi việc
- VTV3 kỷ niệm 25 thành lập (31/3/1996-31/3/2021), hành trình gắn bó với truyền hình hẳn có nhiều điều đáng nhớ đối với chị?
Tôi đã gắn bó với VTV3 đúng 25 năm. Những ngày đầu làm truyền hình, tôi thực sự bị thu hút. Lúc đầu tôi thực tập ở ban Thời sự, sau đó tôi làm công việc tại phòng CKX (Chính trị - Kinh tế - Xã hội) của ban Chuyên đề. Khi tôi thấy anh Trần Đăng Tuấn cũng như nhóm thành lập VTV3 bắt đầu ríu rít đi họp nên tôi xin để được vào nhóm đấy. Thế nhưng tôi không được vào, chỉ được đi "hóng hớt" thôi. Tôi xin mãi anh Tuấn mới đồng ý. Lúc đó tôi phải nộp kịch bản 7 sắc cầu vồng để chứng tỏ mình phải có đóng góp mới được nhận.
Tôi hay nhớ tới những kỷ niệm chẵn ví như: VTV3 tròn 5 tuổi, 10 tuổi,.... Khi VTV3 tròn 5 tuổi, sức trẻ tràn trề và vẫn còn đang tưng bừng, rất nhiều bạn hồi đó như Mỹ Tâm còn chưa nổi tiếng nhưng sau đó đã trở thành ngôi sao lớn. VTV3 10 tuổi đã chững lại nhưng lại có sự tưng bừng, hứng khởi khác để chuẩn bị sang một thời kỳ mới. Lúc đấy tôi đã nghĩ đến chuyện: Cái gì là thách thức với VTV3?
Thường người ta hay nhớ những gì đầu tiên. Những kỷ niệm của thời đầu tiên như những chương trình làm nức lòng người: Chương trình SV, Chung kết 7 sắc cầu vồng, rồi là đơn vị truyền hình nước chủ nhà SEA Games 22 năm 2003. Chúng tôi làm việc say mê - khi thấy bản thân là một phần nhỏ đóng góp vào một sân chơi hay một công việc nào đó ý nghĩa, to lớn. Nó như mở ra một không gian mới cho mình nhìn thấy được tương lai tiềm năng có thể thỏa sức sáng tạo.
- Hành trình 25 năm đó có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi?
Rất nhiều nên tôi không biết kể hay nhớ thời điểm chính xác nào. Ví dụ như lúc đang làm dở chán quá muốn thôi, lúc bị phê bình cũng muốn thôi, lúc khán giả họ không hiểu mắng cũng muốn thôi. Hay là có lúc mình cảm thấy chán nản quá, làm thế này cũng không thay đổi được gì nên cũng muốn thôi.
Tôi nghĩ khi có ý kiến phản đối thì phải im lặng lắng nghe và tự suy ngẫm, phân tích lại xem mình đã làm gì. Có thể ý định của mình tốt nhưng cách thể hiện ra chưa làm khán giả hiểu, nhưng đấy cũng là số ít thôi. Còn thông thường tôi để ý số đông thế nào là quan trọng hơn.
Nhà báo Tạ Bích Loan
- Có bài học đắt giá nào chị phải trả cho sự bỡ ngỡ ban đầu?
Bài học đầu tiên đắt giá nhất là tôi bị khán giả... đuổi. Khán giả viết thư bảo anh Lại Văn Sâm đuổi ngay Tạ Bích Loan ra khỏi VTV3. Tôi nhớ đó là chương trình 7 sắc cầu vồng, trong chương trình đó có 7 cái hộp, tôi giới thiệu trong một cái hộp có một món quà, có món quà rất to, có món quà nhỏ và có món quà chỉ là một tràng vỗ tay động viên tinh thần. Ai trả lời được sẽ được chọn 1 trong 7 món quà đó, thế thôi. Thế là khán giả rất tức, bảo là như vậy rất bất công bởi vì cuối cùng chỉ nhận được một tràng vỗ tay. Qua vụ đó tôi thấy suy nghĩ của mọi người rất khác nhau, ekip phải bàn và tính đến nhiều thứ khác.
- Chương trình nào chị dồn rất nhiều tâm sức nhưng lại không được như kỳ vọng?
Có rất nhiều chương trình khi mà làm xong tôi mới nghĩ: À lẽ ra phải làm như này thì đúng. Nhưng có những cái tôi thấy thực sự cũng hơi tiếc vì đã dồn rất nhiều tâm sức nhưng lại không đúng như kỳ vọng.
Thật ra có một chương trình tôi phải đóng cửa đó là Chuyện đương thời. Sau khi làm Người đương thời rất thành công tôi có làm Chuyện đương thời nhưng không thể hay bằng Người đương thời vì câu chuyện về con người có sức hấp dẫn riêng của nó. Sau đó tôi chuyển sang làm 60 phút mở thì chương trình để lại ấn tượng hơn.
Im lặng để suy ngẫm về bản thân
- Chị cũng hay bị khán giản phản ứng khá dữ dội, nhưng cách của chị thường không phân trần, im lặng. Chị đã vượt qua điều đấy như thế nào?
Tôi nghĩ khi có ý kiến phản đối sẽ phải tự im lặng lắng nghe và tự suy ngẫm, phân tích lại xem đã làm gì. Có thể ý định của mình là tốt nhưng cách thể hiện ra chưa làm cho khán giả hiểu, chưa khéo chẳng hạn, nhưng đấy cũng là một số ít thôi.
Còn thông thường tôi để ý số đông như thế nào là quan trọng hơn. Bởi vì cuối cùng mình có thể yên tâm nếu như ý định là phục vụ cho mục đích của nhân dân, của người dân hay là của số đông là đúng, thì có thể cách mình thể hiện nó chưa thuyết phục được tất cả và có thể gây sốc và chú ý. Nhưng khi người ta hiểu ra họ lại trở thành những người bạn của tôi.
- Cái khó nhất của người làm truyền hình phải chăng là vượt qua chính mình?
Thực ra tôi nghĩ cái khó nhất là làm sao để nuôi dưỡng được cảm hứng lâu dài với một chương trình. Thông thường làm chương trình hay bị chán nhanh, nhưng không thể nào cứ thay đổi liên tục được, phải kiên trì, xong sau đó phải chỉnh sửa cho nó tốt hơn.
Cái khó nhất tôi vượt qua chính tôi đó là làm sao để tạo động lực cho các bạn trẻ, cố gắng không làm hộ các bạn. Chỉ cần mình cố gắng kìm nén lại một chút các bạn ấy sẽ có cơ hội để bật lên hơn.
Tôi lấy ví dụ, chương trình Trên đỉnh Trường Sơn vừa rồi, tôi rất sốt ruột bởi các bạn làm chưa được tốt, thế nhưng nếu tôi bảo: Em làm như thế này đi thì các bạn ấy sẽ không có động lực mà phải là "chưa nghiệm thu nó" để các bạn ấy phải làm đến cùng. Mình chỉ gợi ý còn các bạn ấy phải tự làm sẽ trưởng thành và có động lực, hạnh phúc hơn nhiều so với việc đi làm theo ý của tôi.
Tức là mỗi con người đều có phẩm giá, nếu như mình để cho họ được làm đúng cái họ mong muốn, giống như được nói theo cách của họ. Chỉ cần đạt được mục tiêu nói chung thôi, còn lại để người ta làm theo cách của người ta. Đối với tôi đấy là cái vượt qua chính mình - không áp đặt ý kiến của mình.
- Với vị trí là người đứng đầu ban sản xuất chương trình giải trí VTV3, chị định hướng sự lớn mạnh của VTV3 như nào trong những năm tiếp theo?
Hướng đi của Ban Sản xuất các chương trình Giải trí là thực hiện các chương trình văn hóa, giải trí, nghệ thuật, chính luận nhưng mang tính cảm xúc, làm sao các chương trình ấy dễ tiếp thu, tiếp nhận. Khi bạn kể bằng những câu chuyện rất con người mới làm khán giả rung động. Cuối cùng gốc gác của mọi vấn đề là cách chúng ta kể một câu chuyện, để từ câu chuyện đấy, mình chuyển tải được thông điệp.
Bình luận