Trò chuyện với Báo điện tử VTC News, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói, ông không còn đi viết thì phản ánh cuộc sống bằng những bức vẽ. Tranh của ông luôn là những câu chuyện có chủ đề, theo dòng thời sự sống động của cuộc sống.
- Là một nhà báo luôn vận động, đi và viết, khi nhận quyết định nghỉ hưu, tâm trạng của ông thế nào?
Hụt hẫng, tâm trạng rất tệ. Tôi buồn vì mình phải nghỉ hưu, trong lúc năng lực, sức viết, trình độ nghề, nhiệt tình còn nguyên, sức khỏe vẫn tốt và đầy dự định.
Tôi là con người hoạt động, không bao giờ để mình nhàn rỗi. 60 tuổi với người làm báo là trẻ lắm. Một người làm báo đang hừng hực lửa, bỗng dưng bị dừng lại, tôi hẫng vô cùng. Sáng dậy tôi xách xe đi đến giữa đường mới nhớ là từ hôm nay mình không còn đến tòa soạn. Thậm chí, cứ ra đường là tôi đến cơ quan, đến cổng rồi nhớ ra mình đã nghỉ và quẹo xe đi đường khác.
- Khoảng thời gian đó đã đưa ông đến hội họa?
Cũng gần như vậy. Tôi nhìn lại mấy chục năm công chức, làm việc theo sự phân công, và thấy bây giờ là lúc sống cho mình, làm những việc mơ ước nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Thế là tôi quay ra vẽ, viết truyện ngắn, 2 thứ tôi ấp ủ từ lâu nhưng chưa làm được.
Tuy nhiên, chưa kịp quen và chấp nhận hưu trí, tôi đã bị chuyển sang chế độ bệnh nhân. Nhưng thực ra, nếu không bị tai biến, có lẽ tôi không tập trung vẽ như hơn 2 năm nay. Với tôi, trong nguy luôn có cơ. Tôi quyết tâm không nằm giường bệnh, phải trở thành người hữu ích.
Lúc tôi bị tai biến cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Tôi đặt mục tiêu cách ly dịch bệnh chứ không cách ly cây viết, bắt đầu viết được là viết ngay. Nhập viện Bạch Mai cấp cứu, ra viện 10 ngày là tôi viết phóng sự Mười ngày rung chuyển Bạch Mai. Lúc đó tay bị liệt, tôi viết trên điện thoại, dùng 1 ngón tay để gõ.
Cũng những ngày này, đam mê vẽ bùng lên trong tôi. Tôi ngồi dậy tập vẽ. Có ngày, tay chân lòng thòng dây nhợ hỗ trợ điều trị, tôi cũng ngồi vẽ.
- Qua một cuộc gặp gỡ, trò chuyện, ông đã vẽ ngay được nhân vật, vẽ thật nhanh và có hồn?
Cái này thì đúng. Tôi vẽ cũng nhanh như nhìn đề tài và viết phóng sự. Tôi có ưu điểm là nhìn ra tính cách con người, đánh giá được cái chất, cái thần qua ánh mắt, chiếc mũi, cái miệng…, và thể hiện trên bức vẽ. Tôi vẽ ngay nhân vật mình vừa gặp gỡ, trò chuyện. Có điều, tôi bị liệt một tay, không thể khéo léo như mong muốn.
- Vẽ có giúp ông thay viết, kể câu chuyện cuộc sống đời thường như cách ông thể hiện qua những phóng sự?
Vẽ giúp tôi có cuộc sống phong phú hơn, thấy mình sống có ích, sống không vô nghĩa. Tôi rất sợ rảnh rỗi và luôn làm mọi thứ để không rảnh rỗi. Tôi buông điện thoại là cầm viết lên, rời viết thì cầm cọ, đủ thứ việc làm trong một ngày.
Ước mơ làm họa sĩ dù thực hiện muộn màng, nhưng như định mệnh gắn với tôi bây giờ. Nghỉ hưu, tuổi già, bệnh tật, tất cả bất lợi gộp lại cùng lúc nhưng lại giúp tôi hoàn thành ước mơ của mình.
Nói duyên hay nghiệp nhưng nếu không cố gắng, không dấn thân thì khó làm. Tôi rất sợ vô dụng, nhạt nhẽo, và không bao giờ để mình vô dụng. Cách nào thì tôi cũng phải sống có ích, cống hiến tử tế cho sự nghiệp.
- Nhìn lại hành trình làm báo của mình, ông còn tiếc nuối gì?
Tôi muốn dùng từ ngắn gọn nhưng đủ ý nhất là hài lòng. Hài lòng về hành trình làm báo, dù ở vị trí nào tôi cũng dấn thân, hướng về phía trước với mục đích cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Tôi cũng muốn nói lời biết ơn những bệ phóng đã cho tôi làm tốt nhất trách nhiệm của người làm báo.
Một điều quan trọng là tôi được công tác ở Lao Động - tờ báo mạnh lúc đó. Tờ báo đã đào tạo tôi trở thành một tên tuổi trong nghề. Thể loại tôi gắn bó cũng có tên ở tốp đầu của các thể loại báo chí. Cũng từ nghề mà tôi trở thành một giảng viên truyền lửa cho sinh viên nối tiếp mục đích đẹp đẽ của nghề báo.
Nghề báo đã tạo ra một Huỳnh Dũng Nhân sống không tẻ nhạt trên đời. Tôi không tiếc nuối gì cả. Cũng có người bảo tiếc vì tôi không làm quản lý báo chí. Tôi nói nếu Huỳnh Dũng Nhân ở vị trí khác thì không phải Huỳnh Dũng Nhân.
- Trong những chuyến đi thực tế để có hàng trăm bài phóng sự, chuyến đi nào khiến ông nhớ và ấn tượng mãi?
Đó là chuyến đi Quảng Ninh, chui 2 tiếng đồng hồ xuống hầm lò sâu 100 mét để viết câu chuyện của những người thợ ở mỏ than Mông Dương. Thời điểm đó chưa nhà báo nào xuống hầm lò đâu, ai cũng bảo tôi liều, nhưng tôi muốn mình phải trực tiếp thấy thực tế công việc của những người thợ mỏ.
Động lực thôi thúc tôi, ngoài dấn thân thì còn 2 tự ái. Một là đồng nghiệp “khịa”, bảo tôi biết gì về than mà viết, ra Quảng Ninh cứ tắm biển đi. Tự ái thứ hai, là khi xin xuống hầm lò, các anh công nhân gặng hỏi: Ông có dám xuống thật không? Họ hỏi vậy khác nào nghĩ mình dân salon, tới miệng lò viết phóng sự khai thác than dưới hầm lò. Tự ái dồn dập và tôi chui xuống ngay.
Thu thập xong tư liệu, tôi quay lên và tối hôm đó hoàn thành phóng sự 2 giờ dưới lòng đất, sáng sớm fax về tòa soạn, được duyệt đăng ngay. Bài báo ra và gây tiếng vang khi tôi còn chưa về lại Hà Nội. Bây giờ kể lại vẫn thấy cảm động, chảy nước mắt với hình ảnh những công nhân dưới hầm lò đen nhẻm, vất vả, hàng trăm người tắm tập thể giữa phòng tắm to như hội trường, dưới những vòi nước mạnh như vòi cứu hỏa, vì bụi than chỉ có xả nước thật mạnh mới trôi. Những chi tiết như thế, nếu không trực tiếp chứng kiến thì sao viết được.
Bài phóng sự đó cũng là bài phóng sự đầu tiên của tôi, thôi thúc tôi dấn thân, lao động tử tế, nghiêm túc cho tác phẩm. Sau đó là hàng loạt câu chuyện trong hành trình đi và viết khắp mọi miền đất nước. Mỗi chuyến đi đều mang lại nhiều giá trị, càng đi trong tôi càng thôi thúc phải đi…
- Truyền thống gia đình với nhiều thế hệ làm báo có lẽ là yếu tố giúp ông yêu nghề, say mê cống hiến và trở thành nhà báo giỏi?
Nhà tôi có 9 người làm báo, cha mẹ, anh tôi, tôi, rồi đến các cháu. Nói gì thì nói, truyền thống gia đình là yếu tố quyết định để mình hiểu và bước vào nghề như một điều tự nhiên, như gen có sẵn trong tôi. Chứ nghề báo trong gia đình tôi, để gọi là lớp trước dạy nghề cho lớp sau là không có. Có chăng ba tôi dậy cách chụp hình bằng phim đen trắng thời xưa. Còn lại mọi thứ đến tự nhiên cả.
Một lợi thế của tôi là lúc nhỏ sống ở khu tập thể báo Nhân Dân, hàng ngày được tiếp xúc với nhiều nhà báo giỏi. Nhìn mọi người làm việc, bàn cách chọn đề tài, tranh luận với nhau về từng bài viết, từng câu chuyện, từng lỗi chính tả, tôi hiểu về nghề báo, dù mơ hồ, rồi góp nhặt thành bài học làm báo cho riêng mình từ lúc nào.
Hình ảnh khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về nghề, là một anh phóng viên cả ngày nhìn lên trời săn máy bay để chụp ảnh, sau này anh hy sinh, và tôi biết, nghề báo đôi khi phải chấp nhận hiểm nguy, chấp nhận hy sinh để có tác phẩm. Rồi, có những nhà báo xung phong đi chiến trường…
Tôi trở thành người nối nghiệp ba mình lâu nhất, cho đến giờ vẫn say mê viết, hàng ngày hồ hởi đón đọc báo, giữ được lửa đam mê nghề, tôn trọng nghề.
Xin cảm ơn ông!
Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955, là con trai nhà báo Huỳnh Hùng Lý, một cây bút kỳ cựu của báo Nhân Dân. Ông là cây phóng sự nổi bật thời kỳ đổi mới những năm 1990 - 2010.
Huỳnh Dũng Nhân đã xuất bản một loạt phẩm thơ, văn, truyện ngắn, bút ký, phóng sự…, như: Ăn Tết trong rừng chó sói, Ký sự Xuyên Việt, Tôi đi bán tôi, Kính thưa Ô Sin, Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà Tây Tạng (in chung với Đỗ Doãn Hoàng).
Truyện ngắn: Ba hồi chuông, Ký ức tình...
Thơ: Dã quỳ tím, Một chút riêng tư, Ngoảnh lại thương yêu…
Hồi ký: Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối (Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2020), Huỳnh Dũng Nhân - 40 năm đi, yêu và viết…
Bình luận