(VTC News) – Theo nhà báo Hữu Thọ, với đặc thù là Đảng cầm quyền duy nhất, cần phải mở rộng dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân giám sát Đảng nhằm tránh rơi vào tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong Đảng.
Trả lời phỏng vấn VTC News nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng để Đảng ngày càng phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt đất nước phát triển, hơn bao giờ hết, Đảng phải luôn thấm nhuần tư tưởng dựa vào dân, lấy dân làm gốc, phải thực sự là “của dân, do dân, vì dân”.
Phải mở rộng phản biện xã hội
- Thưa nhà báo Hữu Thọ, là một đảng viên đi gần hết chiều dài lịch sử 85 năm của Đảng cộng sản Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về những thách thức mà Đảng đang phải đối diện hiện nay?
Trong suốt 85 năm lãnh đạo cách mạng, trong đó có 70 năm cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải gánh vác trọng trách lớn lao mà nhân dân giao phó. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, Đảng cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức.
Trước khi nói về những thách thức của Đảng hiện nay, cần phải khẳng định những thành tựu to lớn mà Đảng đã có. Phải khẳng định, 85 năm Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đất nước đã có những bước phát triển với những thành tựu to lớn. Thành tựu đó chính là thành tựu của Đảng.
Nhà báo Hữu Thọ :'Chúng ta cần phải có luật về quyền giám sát của nhân dân' -Ảnh: Việt Linh |
Đảng ta thành lập năm 1930, không phải là đảng nhiều tuổi nhất, nhưng chỉ sau 15 năm thành lập, Đảng đã lãnh đạo toàn dân giành được chính quyền. Tiếp đó là 30 năm đấu tranh chống thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước. Sau khi đất nước thống nhất, Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện sự nghiệp đổi mới. Đó là những thành tựu mà không có Đảng thì không thể nào chúng ta có được.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là những tồn tại rất lớn đòi hỏi Đảng phải nhìn nhận nghiêm túc để đổi mới, xây dựng phát triển.
Hiện nay nhiều vấn đề lớn đang đặt ra cần phải thảo luận nghiêm túc. Vì sao Đại hội nào cũng nói phát triển bền vững mà lại không phát triển bền vững? Vì sao không đấu tranh, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí? Vì sao đời sống nhân dân tuy có nâng cao nhưng vẫn tụt hậu so với các nước xung quanh?..
Những câu hỏi đó, chính là những thách thức mà chúng ta đang đối diện, cần phải tìm được câu trả lời. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", cũng là để giải quyết những tồn tại, yếu kém đó.
- Theo ông, bài học nào quan trọng nhất trong lịch sử lãnh đạo của Đảng cần được nhìn nhận, học tập và phát huy, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang có nhiều khó khăn như hiện nay?
Nói đến những bài học lịch sử của cách mạng việt Nam, thì dù có thay đổi này, thay đổi khác vẫn có một bài học lịch sử rất quan trọng mà Đảng luôn nhấn mạnh, đó là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng chính là nhân tố hàng đầu để đảm bảo cách mạng thắng lợi. Đấy là một bài học vĩnh cửu đối với sự lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh đầu tiên năm 1991, chúng ta cũng khẳng định điều đó. Cương lĩnh bổ sung năm 2011 chúng ta cũng khẳng định điều đó.
|
Từ năm 1947, trong sửa đổi lề lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một mục là “Lãnh đạo đúng”. Theo Người, lãnh đạo đúng phải có 3 điều kiện: Một là có quyết định đúng, đó là nhân tố hàng đầu. Thứ 2 là phải tổ chức thực hiện đúng và thứ 3 là phải kiểm tra, kiểm soát đúng.
Phải kiểm tra, kiểm soát từ việc ra chủ trương cho đến tổ chức thực hiện, nghĩa là phải đủ cả 3 khâu ấy thì mới gọi là lãnh đạo đúng. Như Bác Hồ từng nói, hôm nay chủ trương đó có thể đúng, nhưng mai lại khác rồi, không thích hợp nữa, nên phải sửa đổi kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, phù hợp với quy luật, đặc biệt là phù hợp với lòng dân, hợp đạo lý xã hội.
Để quyết định đúng thì phải thẩm tra qua dân, vì chính người dân phải chịu đựng hậu quả từ những quyết định của Đảng, cho nên chính người dân phải có thẩm quyền đánh giá chủ trương nào đúng, chủ trương nào sai.
Còn khi tổ chức thực hiện thì nhân dân cũng chính là người tổ chức thực hiện, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, để thấy rằng cán bộ nào tốt, có khả năng lãnh đạo công việc, cán bộ nào không tốt, không có khả năng. Phải có kiểm tra kiểm soát của dân. Dân trăm tai nghìn mắt, nên biết nhiều chuyện.
Bởi vậy theo quan điểm về lãnh đạo đúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cả 3 nội dung đó đều phải dựa vào dân. Đây là vấn đề rất lớn trong tư tưởng của Bác, cần phải được học tập và phát huy trong giai đoạn hiện nay.
- Dựa vào dân, để dân kiểm tra, giám sát Đảng là nhiệm vụ được đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập Đảng. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế để dân thực sự giám sát, thưa ông?
Đảng cầm quyền của chúng ta khác với các Đảng cầm quyền khác, đó là độc quyền lãnh đạo. Khi Đảng độc nhất cầm quyền thì có cái thuận lợi là không cần cạnh tranh, nhưng không cần cạnh tranh thì dễ chủ quan, cho nên thực sự là trong khi Đảng độc nhất cầm quyền thì phải phát huy rất cao độ dân chủ trong Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói là phải dân chủ rộng rãi, phải tích cực mở rộng phản biện xã hội, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể. Thậm chí trong báo cáo chính trị, báo chí cũng có trách nhiệm về phản biện xã hội.
Chúng ta cần phải tăng phản biện xã hội, đặc biệt phải tôn trọng các ý kiến phản biện, lọc ra các ý kiến nào đúng để tiếp thu. Nếu như độc quyền lãnh đạo, không có đảng đối lập mà không mở rộng dân chủ, không tích cực lắng nghe ý kiến phản biện xã hội thì trên thực chất dễ dẫn đến quan liêu.
Chính vì thế, ngay từ đầu Đảng đã giao cho chúng ta phải tạo điều kiện để dân giám sát về Đảng. Đảng lãnh đạo, nhưng thực chất Đảng sinh ra từ lòng dân tộc, phải để nhân dân giám sát Đảng.
Nếu nhân dân được giám sát hoạt động của Đảng và Nhà nước thì hiệu quả sẽ khác ngay. Ví dụ để nhân dân giám sát làm đường ngay như đường xây dựng ở nông thôn thì tự nhiên sẽ giảm chi phí đến 1/3. Hiệu quả giám sát là ở chỗ đó, nhìn thấy ngay.
Nhưng vấn đề là cơ chế nào để dân giám sát? Anh trao quyền mà không có cơ chế thì thực ra quyền đó không được thực hiện.
Nhà báo Hữu Thọ: "Nếu để nhân dân giám sát làm đường thì tự nhiên sẽ giảm chi phí đến 1/3 " - Ảnh minh họa |
- Theo quan điểm ông, trong bối cảnh hiện nay, để thực sự phát huy quyền giám sát nhân dân với Đảng, cần có cơ chế như thế nào?
Theo tôi, muốn cho dân giám sát thì phải cho họ biết thông tin. Đó phải là thông tin thật, chứ không phải chỉ là con số báo cáo kiểu “làm đẹp”.
Tôi lấy ví dụ, mới đây, có ông bộ trưởng bảo rằng số công chức hiện nay không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chưa đến 1%. Con số đó làm sao tin được? Đó là những con số không đáng tin cậy. Khi thông tin không đáng tin cậy, thì làm sao người dân giám sát được.
Vậy muốn để dân thực sự giám sát, giám sát có hiệu quả thì phải cho dân có thông tin đầy đủ, thông tin chính xác, đó là yêu cầu rất cần thiết.
Mặt khác, theo tôi, chúng ta cần phải có luật về quyền được giám sát của nhân dân. Tức là phải có cơ chế, chế tài cụ thể cho nhân dân giám sát.
Ví dụ như hiện nay, ở trong khu phố của chúng tôi, có giám sát thì chỉ biết được vấn đề chi tiêu của cán bộ thôi, chứ làm sao biết đảng viên ở khu phố có gói thầu nọ, gói thầu kia… Cái đó thì phải có cơ chế cụ thể để nhân dân cùng với cơ quan tổ chức của Đảng có thể giám sát Đảng, để Đảng thực sự là của dân, sửa đổi đi những thoái hóa, biến chất trong cán bộ, Đảng viên.
Cần thực sự biết “phê” và “tự phê”
- Hiện nay, hiện tượng đảng viên suy thoái, biến chất đang là vấn đề đáng báo động. Chúng ta đang phải thực hiện cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng quyết liệt để làm trong sạch Đảng. Ông nhìn nhận như thế nào về quyết tâm này?
Nói đến vấn đề này thì cần lại phải nhắc đến Di chúc của Hồ Chủ tịch. Chúng ta phải thấy rằng ngay trong Di chúc của Bác chỉ có hơn 1300 từ, thì có tới 8 lần nói đến chữ “thật”, “thật sự”, nghĩa là Bác đã dự đoán rằng trong Đảng ta, hiện nay và trong tương lai cái bệnh nói dối, bệnh thành tích, phô trương nó tràn lan, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo.
Trong Di chúc, Bác dặn phải thường xuyên và nghiêm chỉnh phê bình, tự phê bình. Nhưng trong sinh hoạt Đảng hiện nay, tôi thấy, năm nào chúng ta cũng tổ chức phê bình, tự phê bình, nhưng thực sự không làm nghiêm chỉnh. Thực tế vẫn còn tình trạng nể nang nhau, không phê bình đến nơi đến chốn, vì động cơ nọ kia mà né tránh.
Chúng ta không có Đảng đối lập để mà kiểm tra thì bản thân mình phải tự soi mình, để tự sửa mình, đồng thời phải nhờ nhân dân giám sát mình. Đây chính là động lực phát triển của Đảng. Còn nếu như tự phê bình, phê bình không tốt, thì trên thực tế Đảng không còn động lực để phát triển, dẫn đến những suy thoái, những yếu kém trong Đảng.
Nhân đây tôi muốn nói, thực chất Đảng nào trên thế giới cũng luôn sợ mất quyền lãnh đạo. Ngay một Đảng cầm quyền ở các nước xã hội tư bản họ cũng luôn luôn sợ mất quyền.
Thường thường họ nêu ra 3 nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến mất quyền: Một là nguyên nhân kinh tế trì trệ, không phát triển, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Thứ 2, sự công bằng trong đánh giá con người và phân phối lợi nhuận. Thứ 3, là lạm quyền để sử dụng lãng phí, tham ô tiền thuế của dân. Trong 3 việc này mà chỉ cần một việc làm không tốt, cũng có thể bị các thế lực đối lập lợi dụng, kích động quần chúng, hoặc là tiến hành cách mạng sắc màu, để làm mất quyền lãnh đạo của Đảng.
Rõ ràng, bản chất của chủ nghĩa tư bản, nói cho đến cùng thì cũng không thể khắc phục được cơ bản những vấn đề mâu thuẫn mà họ nêu lên, nhưng họ luôn cố điều chỉnh, để không tạo ra những mâu thuẫn, để tạo ra sự mất ổn định xã hội.
Đối với Đảng ta, thực chất, không có gì sâu sắc bằng cương lĩnh mà Đảng đã đề ra: là phải xử lý tốt các quan hệ khác nhau, từ cái phát triển, từ cái ổn định, từ kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phải xử lý tốt các vấn đề đó thì mới tạo ra sự ổn định xã hội, để đất nước phát triển.
|
- Có ý kiến cho rằng hiện nay đang xuất hiện một cuộc ‘khủng hoảng niềm tin’ trong nhân dân với cán bộ, với Đảng và đó là mối nguy lớn nhất mà Đảng đang đối diện. Ông nhìn nhận sao về vấn đề này?
Đây đúng là nguy cơ lớn mà chúng ta phải tính đến. Hiện nay những vấn đề mà chúng ta đang nói, đặc biệt trong Nghị quyết TW 4 khóa 11 về tăng cường sức mạnh của Đảng, đặc biệt là tăng cường mối quan hệ giữa dân với Đảng, làm cho dân tin Đảng thì đây là một vấn đề rất lớn.
Khi mà nói lòng tin của dân giảm sút, thì thực sự đây là mối nguy lớn nhất. Dù hiện nay chúng ta có hơn 3 triệu đảng viên, nhưng cũng chỉ là số nhỏ trong 90 triệu đồng bào. Vấn đề quan trọng là Đảng phải có trí tuệ.
Đảng muốn lãnh đạo thì không phải chỉ có bản lĩnh mà phải có trí tuệ, mà cái trí tuệ ấy, bên cạnh sự rèn luyện của Đảng thì trí tuệ xã hội mới là xã hội phong phú. Đảng cần phải thu hút được trí tuệ của xã hội để làm phong phú thêm trí tuệ của Đảng.
Người ta hay nói khi dân trí được nâng lên thì quan trí cũng phải được nâng ngang tầm, như vậy thì mới lãnh đạo được đất nước phát triển.
Thử thách của Đảng ta hiện nay chính là phải nâng tầm trí tuệ của Đảng để đảm bảo xử lý tất cả các tình huống rất phức tạp trên thế giới đang tác động, ảnh hưởng đến nước ta, đưa đất nước thoát khỏi bẫy trung bình, vươn lên trở thành một đất nước tiên tiến mà chúng ta yêu cầu.
Cái quan trọng trước hết chính là phải nâng cao trình độ, đạo đức của Đảng viên để xứng đáng là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân, để dân có lòng tin. Lòng tin là việc rất quan trọng. Mất niềm tin rất khó lấy lại.
Hiện nay, vấn đề suy thoái đạo đức, chính trị tư tưởng của cán bộ mà đặc biệt là sự suy thoái văn hóa đang trở thành một vấn đề lớn trong xã hội. Cho nên, để đất nước phát triển, đương nhiên chúng ta phải thực hiện tốt toàn bộ nghị quyết Đại hội Đảng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, phải thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 về Đảng và Nghị quyết T.Ư 9 về Văn hóa. Hai chính vấn đề đấy là hai vấn đề cốt tử nhất trong toàn bộ các Nghị quyết của Đảng hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lan (thực hiện)
Bình luận