Vị Thủ tướng thấu hiểu doanh nhân
Là một trong những vụ án kinh tế nổi tiếng nhất của Việt Nam thập niên 90, vụ án Epco-Minh Phụng khiến lần lượt những đại gia có tiếng và cán bộ ngành ngân hàng phải vào tù, tuyên án cao nhất,..
Khi ông Phan Văn Khải lên làm Thủ tướng cũng có một vụ tương tự. Đó là việc xử lý nợ của Công ty Huy Hoàng - một doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc. Công ty này cũng nợ đầm đìa, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ.
“Nếu theo cách làm cũ thì phải xử lý, nhưng ông Khải bảo phải để cho doanh nghiệp gỡ thì mình cũng không mất. Thế là doanh nghiệp được tạo điều kiện, sau họ khôi phục, gỡ được khó khăn”.
Đó là câu chuyện được ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng, kể với PV như một ví dụ để chứng minh cho “đầu óc cởi mở”, “thấy rõ vấn đề của doanh nhân” của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ngoài ra, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm điều “chưa từng có” là tổ chức ngay 3 cuộc gặp gỡ các doanh nhân tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, thành phần tham dự chủ yếu là DN tư nhân.
Ông Trần Đức Nguyên kể lại: Trong các cuộc gặp đó, ông Khải nói thẳng lâu nay quan hệ giữa Chính phủ với doanh nhân, doanh nghiệp mang tính chất cấp trên cấp dưới, mọi thứ là phải xin phép. Giờ thì phải thay đổi quan niệm này. Trước sự phát triển của xã hội, mỗi người một cương vị, nhưng phải gắn kết với nhau đưa đất nước đi lên. Ý ông ấy nói ngay cả việc xây dựng luật anh cũng phải góp sức vào, nhất là luật về kinh doanh.
Ngay sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng Luật Doanh nghiệp - vốn đã được rục rịch từ năm 1995.
“Việc xây dựng Luật DN khi đó dựa trên 2 tư tưởng cơ bản. Một là người dân được làm mọi cái luật pháp không cấm, còn luật pháp cấm cái gì thì nói rõ ra trong luật. Thứ hai chuyển từ tiền kiểm là chính sang hậu kiểm là chính”, ông Trần Đức Nguyên chia sẻ.
Ông Trần Đức Nguyên nhớ lại: Phải nói là lúc đó đấy là tư duy mới, cho nên đưa ra thảo luận, tranh luận không phải dễ dàng. Nhưng được cái ông Phan Văn Khải cũng có kinh nghiệm rồi, lại đi khảo sát thêm nữa nên ông ấy kiên quyết bảo vệ.
Trao đổi với PV, GS Nguyễn Mại, nguyên thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng, nói thêm: Quán tính của bộ máy nhà nước là cực kỳ quan trọng.
Cái chúng ta khó khắc phục nhất trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp chính là việc này. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của đội ngũ công chức, từ cấp cao cho đến cơ sở là nhà nước thì có quyền, còn người dân phải xin phép. Để khắc phục điều này là điều không đơn giản, là cuộc đấu tranh dai dẳng và lâu dài.
“Đây là quá trình đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa kinh tế thị trường và kinh tế bao cấp, giữa thói quen ra mệnh lệnh, cơ chế xin cho với tư tưởng nhà nước phục vụ, kiến tạo, hành động. Năm 1999 là sự mở đầu cho cuộc đấu tranh này, là cột mốc vô cùng quan trọng”, GS Nguyễn Mại chia sẻ.
Dựng lại niềm tin của doanh nhân
Là một thành viên của Ban soạn thảo dự luật Doanh nghiệp 1999, ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không thể quên được những năm tháng bảo vệ các quan điểm tiến bộ của Luật DN 1999.
Ông Trần Hữu Huỳnh kể lại: “Để đấu tranh được từ chỗ cho phép anh kinh doanh, đến việc ghi nhận quyền đó là của tôi, và anh phải phục vụ cho tốt nhất là không phải đơn giản. Nhìn cả bộ máy từ lâu đều hành xử theo một triết lý khác, theo một hệ khác, giờ đảo ngược lại là vô cùng khó khăn.
“Đến Luật DN 2005 vẫn đang còn vấn đề hoài nghi về kinh tế tư nhân, còn nói các anh mở quá thì tư nhân thành lập hàng loạt. Còn có những ý kiến như thế cơ mà. Đó là cả quá trình, không phải đơn giản, mất đến 4-5 năm”, ông Huỳnh nói.
Ngoài ra, bản thân khối doanh nghiệp tư nhân cũng còn băn khoăn về chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Lý do là, theo ông Trần Hữu Huỳnh, hồi đó chúng ta còn nặng về cơ chế bao cấp, kể cả trong thực tiễn và tư duy, hành xử. Ngoài ra, người ta còn nặng thành kiến về vấn đề tư nhân, vẫn coi DNNN là chủ đạo, vẫn coi sở hữu tập thể và sở hữu toàn dân là chủ đạo.
“Bên cạnh đó, những cách ứng xử, một vài các chính sách trong một giai đoạn nào đó làm cho người ta chưa yên tâm đối với vấn đề phát triển kinh tế tư nhân”, ông Huỳnh cho biết.
Để vượt qua thử thách đó, bao gồm quyền tự do kinh doanh, bình đẳng, đảm bảo an toàn, quyền sở hữu của kinh tế tư nhân, hồi đó buộc phải lắng nghe ý kiến của khối DN tư nhân, những nhà đầu tư. Ngoài Hiến pháp, thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam có việc soạn thảo một Luật mà đi lấy ý kiến cộng đồng rộng như vậy.
Ngày 12/6/1999, Luật Doanh nghiệp được thông qua. Ông Trần Đức Nguyên cho hay: Đến khi thi hành Luật, ông Phan Văn Khải biết rằng không phải người ta đồng tình hết, cho nên ông ấy thành lập ngay Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, giao cho ông Trần Xuân Giá, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng.
“Ban Nghiên cứu cũng có một số anh em chủ chốt tham gia. Đi làm với các bộ đúng là việc quan trọng nhất phải xử lý số giấy phép con do các bộ quy định. Lúc ấy tôi nhớ giảm đi được gần một nửa số giấy phép con. Một số loại giấy phép là cần thiết, nhưng nhiều loại giấy phép là nơi đẻ ra “xin - cho”, là chỗ lót tay lót chân”, ông Nguyên hồi tưởng.
Video: Những phát ngôn ấn tượng nhất của Thủ tướng Phan Văn Khải
GS Nguyễn Mại, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng có trong Tổ công tác thi hành Luật DN 1999, cho biết: Tổ Công tác thi hành luật doanh nghiệp làm việc thường xuyên, họp hàng tuần, liên tục tập hợp thực tiễn từ địa phương, từ các bộ, phân tích cái đúng cái sai. Nếu không có tổ này thì Luật doanh nghiệp khó có thể nhanh chóng đi được vào cuộc sống hiệu quả như vậy.
Nhờ đó, từ 2000-2006, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng rất nhanh. Cả thời kỳ này, chúng ta có hơn 300 nghìn doanh nghiệp ra đời.
Nhưng so với mong muốn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thì còn xa. Bởi theo ông Trần Đức Nguyên, ông Khải là người đưa ra khẩu hiệu cố gắng đến 2010 có 1 triệu DN. Song đến hết năm 2017, số doanh nghiệp của Việt Nam mới vào khoảng gần 600 nghìn và đang phấn đấu 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp.
Bình luận