Ngày 12/10, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương", do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chủ trì.
Thứ trưởng Tuấn nêu: "Trước khi xây dựng đề án Cải cách tiền lương, cần nghiên cứu và làm rõ bối cảnh hiện nay, yêu cầu, thách thức của cải cách. Từ đó đổi mới nhận thức và cách tiếp cận để tránh lặp lại "các lối mòn" trong cải cách tiền lương.
Ví dụ như điều chỉnh lương tối thiểu - lương cơ sở - không phải là cải cách tiền lương, đó chỉ là bù đắp lại cho đủ lương tối thiểu do chỉ số giá tiêu dùng tăng lên mà thôi, hoặc là phân định cơ chế chi trả lương với cơ chế chi trả bảo hiểm xã hội và phải đặt trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách công vụ công chức.
Bám sát mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ tốt nhất đối với người dân mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo".
Nguyên Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Đặng Như Lợi nói, dù đã qua 4 lần cải cách, và năm nào ngân sách cũng bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để nâng mức tối thiểu, nhưng tiền lương vẫn hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thậm chí giảm sút.
Bộ máy vẫn trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn", ông Lợi nói. "Thu nhập ngoài tiền lương ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Một bộ phận cán bộ trở nên giàu có, không biết và không quan tâm nhiều đến tiền lương của mình. Công chức kêu lương thấp nhưng bụng thì to".
Ông Lợi cho rằng hệ thống bảng lương hiện nay làm cho phần lớn người hưởng lương hiện nay không biết lương mình thực sự bao nhiêu, tiền lương không còn ý nghĩa là đòn bẩy, khuyến khích người lao động.
Theo ông, cải cách phải xác định công chức sống được với tiền lương bình quân ít nhất bằng tiền lương bình quân của lao động trong doanh nghiệp, chứ không thể mơ hồ "ở mức trung bình khá trong xã hội" được.
Ông kiến nghị bỏ hẳn quy định mức lương bằng hệ số, phụ cấp chức vụ.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhận định, bảng lương hiện nay không phản ánh công chức là ai, chỉ là phẩy phẩy phết phết, nhiều người vị trí thấp mà lương cao và ngược lại.
Theo ông, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt - lao động quyền lực.
"Do đó, các giá trị xã hội của công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng", nguyên Thứ trưởng nói.
Ông cũng cho rằng hệ thống thang bảng lương hiện nay là phức tạp, manh mún, cần được thiết kế lại một cách khoa học, phù hợp và đơn giản.
Chính sách tiền lương, thu nhập thấp sẽ dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn thu nhập khác để bổ sung, tiền của tham ô tham nhũng có nguyên nhân từ đây.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa
Trong các biện pháp, ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh việc đầu tiên cần làm là xác định rõ vị trí việc làm của công chức cả lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan tổ chức. Tiền lương trả cao, trả đúng cho từng vị trí công chức sẽ nâng cao trách nhiệm và tính kỷ luật trong nền công vụ.
Với câu hỏi khó "tiền đâu", ông Thang Văn Phúc chỉ ra cách tạo nguồn cho cải cách tiền lương: rà soát chi tiêu công, dành tỉ lệ thích đáng ngân sách, cân đối các nguồn đầu tư phát triển, có thể tính tới cả việc sử dụng ODA, xã hội hóa dịch vụ công...
Còn nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa thì cảnh báo chính sách tiền lương, thu nhập thấp sẽ dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn thu nhập khác để bổ sung, tiền của tham ô tham nhũng có nguyên nhân từ đây.
Ông Nghĩa trích câu nói của Thủ tướng Nga Medvedev nói khi đang giữ chức Tổng thống: "Nhân loại không nghĩ được cái gì tốt hơn để chống tham nhũng bằng hai việc: Một mức sống bình thường và một tập hợp những khích lệ để khỏi phải nhận hối lộ".
Video: Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn Quốc hội
Bình luận