Đó là ý kiến được cựu Phó Chủ tịch VFF Ngô Tử Hà đưa ra trong buổi tọa đàm "Để bóng đá là môn thể thao quốc gia" do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự phối hợp của Công ty TNHH Esuhai.
Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả uy tín như đại diện bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng tổng cục Thể dục thể thao. Phía lãnh đạo VFF có ông Cao Văn Chóng - Phó chủ tịch VFF, các cựu lãnh đạo VFF như nguyên Phó Chủ tịch VFF Ngô Tử Hà, nguyên Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, BTV Đặng Phương Nam, BLV Quang Huy, HLV Triệu Quang Hà, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải cùng nhiều khách mời tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực thể thao, giáo dục cũng như dinh dưỡng.
Theo ông Ngô Tử Hà, không phải đến năm 2018 khi các cấp độ đội tuyển Việt Nam đạt được thành công vang dội, chúng ta mới sở hữu lứa cầu thủ mạnh cùng HLV tài năng. Bóng đá Việt Nam từng có nhiều lứa cầu thủ giỏi, thầy giỏi trong quá khứ, song sự khác biệt nằm ở chỗ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
"Trước đây bóng đá Việt Nam cũng có những lứa cầu thủ cực kỳ hay. Từ năm 1991 chúng ta có lần đầu dự SEA Games ở Philippines, lứa cầu thủ ấy cũng rất hay đấy chứ. Lứa của Hồng Sơn, Huỳnh Đức cũng hay, HLV cũng rất giỏi như ông Karl Heinz Weigang, Henrique Calisto hay rất nhiều người nữa,... Tất nhiên, không ai phủ nhận tài năng của HLV Park Hang Seo, nhưng phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa cộng lại, chúng ta mới có được thành công" - ông Ngô Tử Hà phân tích.
Thành công của bóng đá Việt Nam tạo niềm cảm hứng lớn để cả xã hội chung tay vào cuộc phát triển bóng đá, nhưng vấn đề nằm ở chỗ: chúng ta làm chưa có gốc rễ, căn cơ, chưa có nền tảng căn bản mà vẫn làm theo kiểu "ăn xổi".
"Bóng đá Việt Nam cần tránh hiện tượng "ăn xổi", thắng thì vỗ tay vào, thua thì lại lảng ra. Nhiều phụ huynh cho con theo bóng đá vì thấy bóng đá ghê gớm quá, quyền lợi nhiều quá, giống như chọn cho con vào trường đại học này hay đại học kia vì thấy nhu cầu của xã hội trong giai đoạn này cần cái này cái kia,... Làm bóng đá, làm sao cho nó bền vững, lâu dài, cơ bản. Nói dại, giải tới mà không đạt được mục đích đề ra, có khi nhiều người lại nản chí, quay đi.
Thực hiện được kế hoạch phát triển bóng đá được lên từ ngày xưa thì có khi chúng ta cũng lọt vào vòng chung kết World Cup rồi đấy
Nguyên Phó Chủ tịch VFF Ngô Tử Hà
Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả tín hiệu "bật đèn xanh" từ phía Nhà nước để bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia. Rất khó, nên chúng ta phải đi từng bước một.
Chúng ta muốn lên kế hoạch nọ kia, nhưng xin thưa, chúng ta có kế hoạch nhiều lắm rồi. Kế hoạch, chiến lược, tất cả các thứ, song điều cần thiết là phải bắt tay vào thực hiện, có người kiểm soát, đôn đốc. Thực hiện được kế hoạch phát triển bóng đá được lên từ ngày xưa thì có khi chúng ta cũng lọt vào vòng chung kết World Cup rồi đấy, nhưng nói mà không làm được" - ông Ngô Tử Hà chia sẻ.
Ý kiến phát triển bóng đá phải có căn cơ, gốc rễ cũng được các khách mời đồng tình, bởi bóng đá Việt Nam không thể đi lên nếu mãi dựa vào phần ngọn - với thành tích của đội tuyển quốc gia. Thành tích ấy tạo niềm cảm hứng lớn, song cần có sự chung tay của tất cả để làm tốt phần gốc, qua đó giúp thành tích của được bền vững và duy trì qua nhiều năm.
"Bóng đá Việt Nam cần cây dựng định hướng, lối chơi thống nhất, rồi mới bắt đầu có cơ sở để các nhà chuyên môn tham gia xây dựng. Các nước có nền bóng đá phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có định hướng lối chơi rõ ràng với sự tham gia của các chuyên gia, từ đó xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch huấn luyện cho các cấp độ đội tuyển" - ông Phạm Ngọc Viễn, cựu Phó Chủ tịch VFF chia sẻ.
"Chúng ta cần giáo dục đạo đức, nhân cách cầu thủ để chống tiêu cực. Bản thân cầu thủ phải được đào tạo chuyên nghiệp, xác định đá bóng là nghề nghiệp của mình thì mới không chịu những tác động xấu ở bên ngoài".
Một trong những chủ đề được quan tâm nhất tại buổi tọa đàm là đưa bóng đá đi sâu hơn vào trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đẩy mạnh phong trào bóng đá học đường để tạo thêm nguồn lực tuyển chọn trong tương lai.
Theo ông Ngũ Duy Anh - vụ trưởng vụ Giáo dục thể thao - Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây sẽ là vấn đề được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa vào trường học, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn trước mắt.
"Không phải địa phương, nhà trường nào cũng tổ chức được dạy và học bóng đá được, do cơ sở vật chất cho thể thao không phải trường nào cũng có. Ngoài ra, sự thiếu vắng đội ngũ các nhà chuyên môn, vấn đề tài chính, thời gian học hành của học sinh với số tiết lên lớp... cũng gây ra nhiều cản trở.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo cũng không bị gò bó, cứng nhắc như trước, nên việc đưa môn học vào là tự chọn, tùy cơ sở vật chất, giáo viên của nhà trường" - ông Ngũ Duy Anh chia sẻ.
Sau cùng, ông Vương Bích Thắng ghi nhận ý kiến đóng góp của các diễn giả, khách mời đầy tâm huyết trong buổi tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức, đồng thời khẳng định các cơ quan ban ngành, các bộ sẽ nỗ lực hết mình để đưa bóng đá Việt Nam tiến xa hơn nữa.
Bình luận