Công ty TNHH thương mại dịch vụ xăng dầu Châu Thành (tại tỉnh Tiền Giang) là một trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hiện tại, công ty có gần 200 cửa hàng, đại lý ở nhiều địa phương trong khu vực. Từ ngày 29 Âm lịch đến mùng 5 Tết, một số cửa hàng, đại lý phải đóng cửa do hết nguồn xăng, đã xin phép trước với các ngành chức năng.
Đến hôm nay (9/2), hầu hết các cửa hàng, đại lý của Công ty TNHH thương mại dịch vụ xăng dầu Châu Thành đã hoạt động ổn định trở lại.
Theo bà Phạm Cẩm Thúy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xăng dầu Châu Thành, nguyên nhân một số cửa hàng, đại lý xăng dầu đóng cửa trong khu vực là do thiếu nguồn cung. Bởi những ngày Tết cổ truyền mật độ phương tiện tăng đột biến, nhu cầu tăng 2 lần.
“Hàng mua vẫn còn nhưng bị khan, từ chỗ đó không có nguồn đáp ứng cho người tiêu dùng những ngày Tết lượng tăng đột biến. Những ngày Tết nhu cầu tăng gấp đôi nhưng nguồn hàng chỉ đáp ứng 75% so với ngày thường. Mấy ngày nay, công ty mình vẫn có bán, nhưng do đầu vào không đủ nên xăng khan hiếm, dầu thì bình thường. Bữa nay hoạt động bình thường, chỉ có một cửa hàng hết xăng, chiều nay xăng về hết thì xong”, bà Phạm Cẩm Thúy cho biết.
Hôm nay, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho biết, vừa tiến hành kiểm tra, giám sát tổng cộng 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, quyết tâm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp đầu mối, 6 tổng đại lý và 453 đại lý kinh doanh xăng dầu. Cục quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo tất cả các Đội Quản lý thị trường trực thuộc quản lý chặt chẽ địa bàn, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải tổ chức kiểm tra đột xuất, xác minh làm rõ các nội dung, tình tiết liên quan và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe.
Đến nay, hoạt động lĩnh vực xăng dầu trở lại bình thường. Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang xử phạt 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP Mỹ Tho 180 triệu đồng do kinh doanh xăng dầu kém chất lượng.
Tại tỉnh Vĩnh Long, sáng 9/2, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 16 cây xăng đóng cửa.
Nguyên nhân đóng cửa do hết xăng bán, một số cây xăng đóng cửa là do nhân viên xin nghỉ Tết hoặc ngưng để nâng cấp sửa chữa cây xăng. Qua Tết, đã có 5 cây xăng hoạt động trở lại, hiện vẫn còn 11 cây xăng đang tiếp tục nghỉ bán do hết xăng.
Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm, trước khi đóng cửa, các doanh nghiệp đều có đơn xin đóng cửa gửi sở Công Thương, đồng thời nêu lý do chính đáng.
Mấy ngày sau Tết, Sở Công Thương Vĩnh Long đã thành lập đoàn kiểm tra tất cả 273 cây xăng trên địa bàn tỉnh nhưng không phát hiện trường hợp cây xăng nào vi phạm.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở vùng ĐBSCL, để tránh “hệ lụy” từ việc khan hiếm nguồn cung dẫn đến nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa thì vai trò điều tiết, cân đối nguồn cung cũng như công tác dự báo tình hình thị trường của các bộ, ngành chức năng, nhất là Bộ Công Thương cần được quan tâm, tránh tái diễn tình trạng này trong thời gian tới.
Bình luận