Trưởng phòng Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk bỏ việc đi… bán gà nướng
Đồng lương 4 triệu đồng/tháng, có ý tưởng đề xuất nhưng không được cấp trên chú ý, anh Nguyễn Như Hoàng (1984) quyết định bỏ chức Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin (thuộc Sở Công Thương Đắk Lắk) và chuyển sang đẩy xe đi bán... gà nướng.
Anh Hoàng không phải là người đầu tiên quyết định bỏ việc nhà nước lui về làm ăn. Năm 2017 còn ghi nhận nhiều công chức từ bỏ công việc nhà nước để ra ngoài kinh doanh, làm ăn.
Cô gái Thái bỏ việc ở xã về nhà kinh doanh online
Lô Thị Tố Tâm (SN 1987, Nghệ An) là công chức văn hóa xã hội của xã Châu Thôn (huyện Quế Phong, Nghệ An), mới đây đã viết đơn xin nghỉ việc, từ bỏ công chức nhà nước để trở về kinh doanh trên mạng xã hội.
Năm 2015, do địa điểm công tác cách nhà gần 20km đường rừng núi, công việc lại khó khăn, nhiều áp lực, không mang lại hứng thú, đồng lương thì chỉ đủ trang trải cuộc sống nên Tâm đã quyết tâm bỏ việc.
Nhiều giáo viên buốt lòng rời bục giảng
10 năm dạy học vỏn vẹn thu nhập 3,6 triệu đồng/tháng, thầy Nguyễn Quang Tuệ (Quảng Bình) - giáo viên mỹ thuật tại Trường tiểu học Thanh Thủy (Quảng Bình) đã nộp đơn xin nghỉ việc.
Trong đơn xin nghỉ việc, thầy Tuệ viết: “Lý do xin nghỉ việc là vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình. Kính mong Ban Giám hiệu, BCH Công đoàn nhà trường cho tôi được thôi việc để tìm công việc mới đảm bảo thu nhập cá nhân và gia đình”.
Yêu nghề sư phạm và học sinh, nhưng cuộc sống bắt buộc phải chọn lựa. Thầy Quang Tuệ cho hay sẽ tập trung công việc xăm nghệ thuật. Đây cũng là công việc làm thêm ngoài giờ lên lớp của giáo viên này.
Đi làm 10 tiếng mỗi ngày, mức lương 4,3 triệu đồng/tháng. Cô giáo Hoàng Kim Anh (1994), giáo viên Trường Nà Kiềng (Cao Bằng) gửi lá đơn xin ra khỏi biên chế gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày đầu tháng 9.
Lý do chính khiến Kim Anh đưa ra quyết định này bởi mức lương 4,3 triệu đồng, trừ đi các khoản ăn uống, tiền phòng trọ, sinh hoạt hàng ngày, tiền nộp một bộ đồ chơi theo chủ đề dạy, các khoản quỹ, từ thiện…, cô giáo không đủ trang trải và phụ giúp gia đình.
Dạy học 6 năm, xin đi học lên thạc sĩ bị từ chối, thầy Đoàn Hùng Cường (SN 1979) bỏ dạy đi học Cao học. Sau 3 năm trở về, thầy Hùng Cường giảng dạy cho trường THCS Tình Húc với mức lương 1.8-2 triệu đồng/tháng.
Tâm huyết với nghề có, khao khát cống hiến có, nhưng sự bạc bẽo và bất cập của nghề dạy đã khiến thầy Cường dừng sự nghiệp dạy học ở con số 16 năm. Thầy chia sẻ, nếu có năng lực, chẳng việc gì phải bám lấy hai chữ “biên chế” để đày đọa bản thân.
Người ngoài muốn vào, kẻ trong muốn ra
Vào biên chế chưa bao giờ là việc dễ dàng, phải thi tuyển công chức, phải qua rất nhiều khâu thủ tục, đôi khi là đánh đổi rất nhiều để được đứng trong hàng ngũ biên chế. Tất cả chỉ để đổi lại là công việc với mức lương khó sống cùng những áp lực vô hình.
Vì vậy, sau khi đi tới quyết định từ bỏ công việc vốn được nhiều người mơ ước, các cựu công chức bỗng cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn, thậm chí là có tương lai hơn hẳn.
Người thầy vừa kết thúc 16 năm giảng dạy chia sẻ: “Ngày trước, có những lúc đang ngủ, tôi còn mơ mình phải làm giáo án, phải lên lớp tới ám ảnh luôn. Từ khi được phê duyệt ra khỏi ngành, thực sự là tôi thấy ăn cơm ngon hơn và ngủ ngon hơn”.
"Tôi tin với công việc mới là "bán gà quê", tôi sẽ thấy hạnh phúc hơn, có thể phục vụ nhiều người hơn và tôi tin nếu tận tâm, tôi sẽ được ghi nhận và trả công xứng đáng. Tôi tin làm thật, sống thật sẽ được nhìn nhận, điều này khi tôi làm nhà nước hoàn toàn không được ghi nhận”, cựu Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin (Sở Công thương Đắk Lắk), anh Hoàng tâm sự.
Từng mất bao đêm suy nghĩ, thương gia đình, tiếc công việc, ấy thế mà sau khi nghỉ việc, Tâm tỏ ra rất hào hứng với công việc buôn bán, “Nhà vốn có truyền thống bán mặt hàng về các bài thuốc dược liệu của vùng rừng núi Quế Phong nên em muốn giới thiệu chúng tới mọi miền đất nước. Bước đầu, công việc bán hàng của em khá suôn sẻ. Thấy việc kinh doanh rất hợp với mình, có thu nhập và nhiều động lực nên em quyết tâm theo đuổi nó”.
Bình luận